KHÁI QUÁT VỀ MANAGEMENT TRAINEE (WHAT)
-
Management Trainee (MT) là gì ?
Bạn có bao giờ thử hình dung các tập đoàn đa quốc gia làm thế nào để xây dựng bộ máy lãnh đạo đủ năng lực, kiến thức để am hiểu hệ thống đồ sộ với hàng trăm ngàn nhân viên? Làm sau để nuôi dưỡng nhân tài có khả năng xây dựng các mối quan hệ xuyên nhiều phòng ban giúp công việc được hoàn thành trôi chảy? Làm sao để sinh viên có thể thăng tiến lên những vị trí lãnh đạo cấp cao hơn nếu xuất phát từ một vị trí ở một phòng ban nhất định?
Cũng từ nhu cầu nuôi dưỡng nhân tài, cung cấp cho họ kiến thức toàn diện và giúp họ thăng tiến sự nghiệp nhanh hơn và cống hiến nhiều nhất có thể, chương trình Quản trị viên tập sự (hay còn gọi là Management Trainee – MT) của các tập đoàn lớn được ra đời nhằm tuyển dụng những sinh viên ưu tú vừa rời khỏi ghế nhà trường và đào tạo những nhân tài đó thành những lớp lãnh đạo kế thừa.
Quy trình tuyển dụng cho chương trình MT rất gắt gao. Sau khi được chọn, bạn sẽ được luân phiên xoay vòng ở các phòng ban khác nhau để có cái nhìn tổng quát cũng như giúp bạn hợp tác tốt hơn với các mảng khác của công ty. Bạn sẽ được giao dự án ở các quốc gia khác nhau (international assignment) hay được cho phép tham gia các cuộc họp lãnh đạo cấp cao. Tất cả Tập đoàn sẽ tạo điều kiện tối đa để giúp bạn trang bị kiến thức chuyên môn lẫn kĩ năng lãnh đạo để sau 7-10 năm, bạn được “fast-track” và kỳ vọng sẽ có thể gia nhập vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
-
Chương trình MT bao gồm những gì?
Chương trình MT có thể kéo dài từ 6 tháng tới 5 năm (trung bình 3 năm)
Với các chương trình MT, các công ty tin rằng trải nghiệm thực tế, kiến thức chuyên môn kết hợp với khả năng lãnh đạo sẽ tạo ra những kết quả vô tận và giúp bạn phát triển con đường sự nghiệp lâu dài.
Vì thế, chương trình quản trị viên tập sự bao gồm cả học kiến thức chuyên môn lẫn trải nghiệm thực tế. Chương trình MT có thể chia làm 3 phần:
- Định hướng và văn hoá công ty
- Phát triển cá nhân
- Phát triển khả năng lãnh đạo
Mỗi phần của chương trình đều có nội dung đào tạo cả kĩ năng chuyên môn lẫn khả năng lãnh đạo kết hợp với hệ thống đánh giá cụ thể và cơ hội có mentor nhằm cung cấp cho các tập sự viên:
- Kĩ năng kinh doanh cơ bản
- Hiểu biết tổng quát về cấu trúc cũng như từng bộ phận chức năng của công ty
- Kĩ năng trong từng phòng ban cơ bản và chuyên sâu
- Thái độ làm việc không ngại khó khăn, lòng tự hào về công việc của mình cũng như sự gắn bó với công ty
Với khả năng lãnh đạo, xuyên suốt quá trình phát triển nghề nghiệp, công ty sẽ hỗ trợ bạn với nhiều cách khác nhau như những training workshop, những dự án thực tế, xoay chuyển phòng ban, những buổi thảo luận với mentor.
Chương trình training còn được dựa trên phương pháp 70/20/10:
- 70% Training là học từ công việc
- 20% Training được huấn luyện hoặc mentor
- 10% Training là những khóa học chính quy, đọc sách
Cụ thể hơn trong công việc, từng phòng ban khác nhau sẽ dạy bạn những kĩ năng cũng như kiến thức chuyên môn khác nhau. Cứ mỗi 6 tháng bạn sẽ được xoay vòng, tuỳ theo nhu cầu và khả năng tiếp nhận nhân lực của các phòng ban.
Sau 2-3 năm xoay vòng, kết thúc chương trình MT, bạn có thể sẽ được lên được vị trí assistant manager hay manager. Sau 7-8 năm, bạn có thể lên được những vị trí cao hơn nữa ở cấp executive hay head of department.
-
Một ngày làm việc điển hình của một “Quản trị viên tập sự”:
Một ngày làm việc điển hình của 1 quản trị viên tập bắt đầu từ 9h sáng cho đến 5h chiều: chạy quanh các việc như check schedule, làm dự án cá nhân, họp team, làm việc với dự án chung của phòng ban, học hỏi các kiến thức theo chương trình. Tuy nhiên cứ mỗi 6 tháng, bạn sẽ được xoay vòng vào 1 phòng ban mới, tại đây bạn được tham gia một dự án hiện tại đang diễn ra của phòng ban đó và phải thực hiện 1 dự án riêng của mình tại đó. Để trả lời câu hỏi trên thực sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Khu vực địa lý: Tùy thuộc vào phân ngành khác nhau trong công ty mà bạn có thể phải làm việc ở các nơi khác nhau. Ví dụ, với các vị trí MT về chuỗi cung ứng, sales, hay sản xuất, bạn sẽ phải công tác tới nhà máy, được đến xem xét tình hình bán hàng ở địa phương, hay được đến những vùng sâu vùng xa để tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.
Phòng ban: Các phòng ban khác nhau trong công ty có nội dung công việc khác nhau. Ví dụ, bạn là một MT chuyên về marketing, nhưng hiện đang làm ở phòng Finance, công việc của bạn có thể liên quan tới tính toán sự hiệu quả của các chiến dịch marketing, lợi nhuận mang lại từ các khoản đầu tư tài chính dành cho marketing. Nếu ở phòng Product, bạn phải làm nghiên cứu thị trường. Ở phòng marketing, sẽ phải thực hiện những chiến dịch tung sản phẩm ra thị trường. 1 vị trí nhưng ở 3 phòng ban riêng biệt với 3 công việc khác nhau.
Công ty: Công ty cũng là 1 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công việc của 1 quản trị viên tập sự. Ví dụ như bạn có thể làm về các ngành hàng hóa tiêu dùng nhanh (Fast-moving Consumer Goods – FMCG), tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thương mại điện tử….
Năng lực và nhu cầu của các phòng ban: Yếu tố này thường hay xảy ra khi các công việc ở phòng ban đó hiện chưa cần nhân lực mới. Bạn vẫn sẽ được xoay vòng qua những phòng ban khác hay ở lại phòng ban đó nhưng làm một mảng công việc khác.
Dự án cá nhân: Dự án cá nhân là phần khá quan trọng để đánh giá năng lực của 1 quản trị viên tập sự.
Bạn sẽ dành ⅔ thời gian làm việc của mình cho việc tổ chức và hiện thực hoá dự án riêng của mình: Phải tự đề ra hướng đi và tìm dữ liệu, tài nguyên, nhân lực cần thiết. Trong thời gian còn lại, bạn được làm việc với team, học hỏi những kiến thức cần thiết, xin tham mưu từ sếp để phát triển thêm dự án của bản thân.
Sau cuối mỗi 6 tháng, bạn phải thuyết trình và trình bày kết quả của dự án cũng như những thành quả đạt được cho cấp trên hoặc 1 hội đồng trong công ty. Sau đó bạn sẽ lại tiếp tục được xoay vòng qua những phòng ban khác, quốc gia khác tuỳ vào dự án cũng như nhu cầu của Tập đoàn để tiếp tục mài giũa kĩ năng quản lý dự án, kĩ năng thích ứng và kĩ năng lãnh đạo của bản thân.
TẠI SAO LỰA CHỌN CHƯƠNG TRÌNH MANAGEMENT TRAINEE? (WHY)
Management Trainee sẽ là bệ phóng lý tưởng cho con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Bất cứ cá nhân nào vượt qua được các vòng tuyển chọn nghiêm ngặt và tham gia chương trình sẽ nhận được sự đào tạo bài bản trong một môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp mà không ít bạn trẻ mong ước. Management Trainee là một trong những chương trình được công ty lẫn phòng nhân sự dành nhiều sự đầu tư nhất, các bạn Management Trainee không chỉ được đào tạo theo chương trình riêng mà còn nhận được sự công nhận, biết tới rất lớn.
Ngoài ra, chương trình Management Trainee còn cho bạn kiến thức tổng quan về nhiều ngành nghề khác nhau (như tài chính, sản xuất, marketing,…) giúp các bạn có cơ hội được khám phá bản thân: điều mình thật sự thích và lĩnh vực mình có khả năng.
Những ứng viên Management Trainee sẽ được ưu tiên và thăng tiến nhanh hơn (so với con đường nghề nghiệp bình thường), hoặc có thể được cân nhắc lên những vị trí quản lý, trưởng phòng sau 2-3 năm bởi họ được hoạch định để làm lãnh đạo tương lai của công ty.
Management Trainee – Bạn sẽ được gì và mất gì?
Thuận lợi | Khó khăn |
Được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và đặc biệt | Áp lực công việc lớn |
Được công nhận, được sự quan tâm và đầu tư lớn từ công ty | Kì vọng cao từ phía công ty cũng như đồng nghiệp, dễ bị căng thẳng |
Cơ hội được xoay vòng các vòng ban, cơ hội khám phá bản thân | Luôn bị quan sát, đánh giá nhiều hơn bình thường từ phòng nhân sự |
Kiến thức hiểu biết bao quát: về các ngành cũng như từng phòng ban, hiểu về công ty | Không có kiến thức thật sự chuyên sâu vì xoay vòng qua nhiều phòng ban, mỗi phòng ban ở một thời gian ngắn |
Cơ hội thăng tiến nhanh, có cơ hội để làm các vị trí lãnh đạo cao cấp trong tương lai (fast-track về career) | Có khả năng không được tham gia sâu vào dự án ở phòng ban đó vì thời gian ở mỗi phòng ban đều khá ngắn |
Cơ hội làm việc với các lãnh đạo, được tham gia các cuộc họp cấp cao, cơ hội học hỏi nhiều hơn | Nhiều điều mới cần phải học hỏi |
Chế độ đãi ngộ thuộc loại tốt nhất hiện nay với các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp |
THI TUYỂN VÀO CHƯƠNG TRÌNH MANAGEMENT TRAINEE?
Yêu cầu căn bản
Tùy thuộc vào chương trình hay công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau cho các ứng viên.
Tuy nhiên, đối tượng chính vẫn là các bạn trẻ sắp hoặc mới ra trường với thành tích học tập xuất sắc, chưa có kinh nghiệm làm việc hoặc có dưới 1 – 2 năm kinh nghiệm, khả năng sử dụng tiếng Anh tốt và quan trọng hơn hết là khả năng lãnh đạo.
Những điều cần biết khi tham gia ứng tuyển vào chương trình
Các ứng viên sẽ phải tham gia vào khá nhiều vòng thử thách trước khi chính thức được nhận vào chương trình. Hầu hết các vòng này đều yêu cầu bạn sử dụng tiếng Anh thành thạo để làm kiểm tra, đọc hiểu và giải quyết tình huống. Nhưng làm thế nào để các bạn có thể chuẩn bị bản thân tốt hơn trước khi ứng tuyển vào chương trình MT?
Hiện nay, các công ty thường xuyên tổ chức các buổi talkshow cũng như ngày hội, hội thảo thông tin về chương trình tuyển dụng và MT. Các bạn sinh viên có thể tham gia để có cái nhìn chính xác, sâu hơn về công ty, văn hoá công ty và hơn hết là những tiêu chí chủ chốt công ty tìm kiếm ở ứng viên. Tuy nhiên có một số tiêu chí chủ chốt mà các công ty đều tìm tới như:
- Khả năng làm việc nhóm
- Kĩ năng lãnh đạo
- Khả năng sử dụng tiếng Anh
- Khả năng tư duy logic, số học
Vậy sự chuẩn bị cho chương trình MT, hay bất cứ công việc nào khác của bạn cũng nên bắt đầu từ ghế nhà trường, vì đây cũng là những kĩ năng cần thiết cho bất kì công việc nào. Nhưng đằng sau sự thành công của 1 ứng viên MT, luôn có nhiều sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Từ khi còn là sinh viên, các bạn nên tham gia các hoạt động ngoại khoá, tình nguyện để học hỏi về kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, khả năng tư duy logic hay số học cũng là 1 tiêu chí cơ bản, những kiến thức cũng như bài học từ trường đại học khi kết hợp với thực hành (từ công việc thực tập hay các cuộc thi về chuyên môn) sẽ là hành trang vững chắc cho các bạn. Không những thế, tham gia các cuộc thi do các công ty tổ chức cũng giúp các bạn có kiến thức thực tế và chuyên môn (từ training trong cuộc thi, giải business case thực tế) cũng như cho bạn cơ hội được trải nghiệm văn hoá công ty hay thực tập.
Sự chuẩn bị không chỉ dừng lại ở các kĩ năng mềm như trên, vì các MT sẽ là những người lèo lái công ty trong tương lai, nên cần những cá nhân có cái nhìn toàn cảnh, hiểu được về ngành, hiểu về sản phẩm cũng như có tư duy kinh doanh. Mùa hè hay vào năm 3, năm 4 luôn có những đợt thực tập dành cho sinh viên. Đây là cơ hội để các bạn không chỉ làm việc thực tế hay học hỏi kĩ năng mà bạn còn phải cố gắng tìm hiểu, học cách đặt những câu hỏi đúng để hiểu 1 cách sâu rộng về ngành. Khi bạn hiểu được hiện trạng của công ty, ngành nghề, bạn sẽ biết được cần phải làm những gì để phát triển, làm tốt công việc, nắm bắt được những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên.
Biết cách đặt những câu hỏi chính xác kết hợp với tư duy kinh doanh sẽ giúp bạn vượt lên những ứng viên khác, không chỉ ở quá trình tuyển chọn mà còn ở vị trí MT bạn có thể đạt được trong tương lai.
Điều cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất bạn có thể chuẩn bị là networking, gây dựng những mối quan hệ hiệu quả. Những buổi hội thảo giới thiệu thông tin, những đợt thực tập ngắn hạn, hay những chuyến tham quan công ty là dịp quý bàu để các bạn trực tiếp liên lạc với những anh chị đang làm trong công ty. Những cuộc gặp gỡ hay nói chuyện với họ sẽ giúp bạn hiểu sâu về văn hoá, cách làm việc của công ty hay loại người mà công ty cần. Ví dụ như có những công ty tìm kiếm người học hỏi nhanh, xông xáo và năng động, nhưng cũng có nơi lại chuộng những cá nhân ôn hoà, giỏi hoà thuận những ý kiến trong nhóm. Những thông tin này sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn đúng đắn, vì các công ty hay chương trình MT tuyển người không chỉ giỏi mà còn phù hợp với môi trường làm việc của họ. Hiểu biết được về văn hoá công ty, các dự án đang diễn ra, cường độ công việc không chỉ giúp bạn tìm được công việc phù hợp mà còn tìm được môi trường lý tưởng để bạn theo đuổi đam mê, tìm thấy niềm vui trong công việc.
Quy trình tuyển chọn Management Trainee?
Vòng 1: CV
Bộ phận nhân sự sẽ có những đánh giá đầu tiên về bạn qua bản CV, thế nên bạn cần chắc chắn nội dung CV được trình bày ấn tượng nhưng vẫn trung thực. Bạn sẽ được yêu cầu điền vào mẫu CV online hoặc nộp hồ sơ bằng tiếng Anh nên hãy nhớ kiểm tra kỹ CV trước khi gửi đi để tránh mắc các lỗi chính tả, ngữ pháp.
Vòng 2: Kiểm tra năng lực
Vòng này bạn sẽ phải tham gia kiểm tra để đánh giá chỉ số IQ/EQ, khả năng logic, khả năng số, tính cách,.. các bài kiểm tra này sẽ được thiết kế và trình bày bằng tiếng Anh. Bạn nên lên mạng tham khảo trước các dạng bài và làm thử để không bị bỡ ngỡ khi làm kiểm tra thật. Yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng, bạn cần bình tĩnh và tận dụng thời gian một cách tối đa.
Vòng 3: Phỏng vấn đầu tiên
Đây là vòng mà bạn sẽ gặp mặt trực tiếp với đại diện của công ty tuyển dụng và họ sẽ đánh giá bạn dựa trên những kinh nghiệm bạn có từ trước hay những kinh nghiệm được ghi trong CV cũng như đánh giá tính cách của bạn.
Vòng 4: Làm việc nhóm / Giải quyết tình huống
Ở vòng này, bạn sẽ phải làm việc theo nhóm cùng với các ứng viên khác. Các ứng viên thường tập trung vào kết quả sau cùng, nhưng các nhà tuyển dụng sẽ quan sát bạn suốt cả quả trình. Thế nên, hãy làm việc với đồng đội một cách hiệu quả nhất và ăn ý, nhưng bạn cũng phải tìm cách thể hiện được khả năng lãnh đạo. Mục tiêu của chương trình MT là tìm ra những cá nhân có tố chất lãnh đạo cũng như là những người có khả năng làm việc nhóm, tính cách hợp với văn hóa công ty. Đây là vòng tuyển chọn khó khăn và có tỉ lệ rớt cao nhất trong tất cả các vòng.
Vòng 5: Phỏng vấn chuyên sâu
Đây sẽ là vòng tuyển dụng cuối cùng và thông thường nhà tuyển dụng sẽ đặt các câu hỏi gợi mở để tìm hiểu về tính cách và con người của bạn. Đây cũng là thời điểm để họ xác định bạn có phù hợp với tính chất công việc và công ty hay không. Vòng phỏng vấn này cũng sẽ xem lại quá trình từ những vòng trước của bạn. Nên những thành tích, kinh nghiệm, những thông tin trong CV từ vòng 1 có thể được hỏi lại, kiểm tra lại ở vòng này.
Tuy nhiên thứ tự,số lượng và nội dung các vòng thi sẽ thay đổi khác nhau tùy theo các công ty, các bạn sinh viên quan tâm có thể theo dõi website cũng như các trang mạng xã hội (Facebook) của công ty mong muốn ứng tuyển để cập nhật thông tin chính xác và nhanh nhất
Bối cảnh & xu hướng (COMPARE) ngành Management Trainee tại Việt Nam & Mỹ
Từ tình hình MT tại Mỹ
Vì mục đích của MT là để tuyển các nhà lãnh đạo tương lai cho bộ máy của họ nên tại Mỹ, các sinh viên quốc tế sẽ gặp bất lợi về lợi thế cạnh tranh vì Chính phủ Mỹ không đảm bảo cấp visa việc làm. Sinh viên quốc tế tại Mỹ phải dựa vào một “cuộc quay sổ xố” để có được visa làm việc (H1B-visa) trong tối đa 6 năm. Chính vì vậy, chương trình MT vốn chỉ tuyển những người có khả năng cống hiến về lâu dài, sẽ không thấy sinh viên quốc tế là ứng viên lý tưởng để họ đầu tư thời gian và nguồn vốn để tuyển dụng.
Các cơ hội MT ở Mỹ có rất nhiều và đa dạng trong các ngành nghề cũng như thể loại công ty: công ty nhỏ địa phương cho đến tập đoàn đa quốc gia, các ngành sản xuất cơ khí đến ngành sản xuất mĩ phẩm. Trong khi đó, ở Việt Nam, các chương trình MT hiện chỉ có ở một số tập đoàn lớn hoặc đa quốc gia.
Ở Mỹ, chương trình MT cũng nhấn mạnh hơn vào kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc với con người hay khách hàng. Chương trình MT ở Việt Nam thì tập trung vào khả năng anh ngữ, khả năng làm việc nhóm, multi-task và khả năng lãnh đạo là chủ yếu.
Đến xu hướng MT tại Việt Nam
Mặc dù chương trình MT hiện cũng khá mới ở Việt Nam, nhưng đã có nhiều chương trình MT từ nhiều công ty hơn, nhiều ngành nghề hơn (như ở lĩnh vực ngân hàng hay công nghệ, kĩ thuật) điều này mở ra nhiều cơ hội hơn cho các bạn, chương trình MT đã không còn chỉ giới hạn cho các bạn học khối ngành kinh tế.
Tuy nhiên số lượng không hẳn đã đi đôi với chất lượng, vì thế các bạn càng cần phải tìm hiểu và chuẩn bị cho bản thân hơn để đưa ra lựa chọn đúng, đến với những công ty phù hợp với tính cách, định hướng tương lai của bản thân. Các chương trình MT cũng thường tuyển chọn vào thời điểm gần nhau trong năm, dễ dẫn tới lịch trùng nhau hoặc các bạn thi vào quá nhiều chương trình cùng lúc, không thể thật sự tập trung cho công ty mình mong muốn.
Mạng lưới Management Trainee
Hiểu được nhu cầu của các bạn trẻ mới tốt nghiệp có nhiều bỡ ngỡ về chương trình cũng như lựa chọn nghề nghiệp cho mình, hiện nay có rất nhiều những hội nhóm và trang Facebook được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, và thông tin của các chương trình MT cũng như từng vòng thi từ các anh, chị hiện đang làm MT tại các tập đoàn trong và ngoài nước. Các bạn sinh viên quan tâm đến các chương trình tuyển dụng này có thể tham gia và theo dõi các mạng lưới này để cập nhật những thông tin mới nhất cũng như lắng nghe những chia sẻ từ những anh, chị đi trước để có được sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ứng tuyển.
Các chương trình Management Trainee danh tiếng
Chương trình MT của Suntory Pepsico http://www.suntorypepsico.vn/en/careers/introduction
Chương trình MT của Coca-Cola
Chương trình MT Young Entrepreneurs của Masan Consumers
Chương trình Unilever Future Leaders Program https://www.unilever.com/careers/graduates/uflp/
Chương trình Prudential Leadership Essentials Acceleration Program http://www.prudential.com.vn/corp/prudential_en_vn/header/career/growwithpru/MT2016/index.html
Chương trình Dream P&G Internship http://vietnam.pgcareers.com/
Chương trình Nhã Lãnh Đạo Tương Lai của Vingroup http://tuyendung.vingroup.net/tin-tuc-su-kien/su-kien-tuyen-dung/chuong-trinh-nha-lanh-dao-tuong-lai-dot-1-548
Chương trình Vietnam Next-top Sales của Mercedes Benz
Chương trình Management Trainee của Friesland Campina
http://production.frieslandcampina.com.vn/english/career/fresh-graduates-programs.aspx
Chương trình Management Trainee của Nestle http://nestle.vietnamworks.com/
Chương trình Samsung Asia Elite http://www.samsung.com/vn/aboutsamsung/samsungelectronics/careers/Samsung_ASIA_ELITE.html
Chương trình Management Trainee của British American Tobacco http://www.batvietnam.com/group/sites/BAT_9VJH58.nsf/vwPagesWebLive/DO9VJEKU
Chương trình MT cho sinh viên năm 2 Inkompass của Philip Morris https://www.inkompass.global/
Tham khảo
Series bài cách vượt qua các vòng MT
https://intern.vn/blog/ho-so-quan-tri-vien-tap-su-gom-nhung-gi/
https://intern.vn/blog/cach-thi-vong-tu-duy-chuong-trinh-quan-tri-vien-tap-su/
https://intern.vn/blog/cach-tra-loi-cac-cau-hoi-phong-van-quan-tri-vien-tap-su/
https://intern.vn/blog/cach-vuot-qua-vong-phong-van-nhom-thi-quan-tri-vien-tap-su/