KHÁI QUÁT VỀ NGÀNH QUẢN LÝ SẢN PHẨM (WHAT)
-
Quản lý sản phẩm là gì?
Quản lý sản phẩm (Product Management) là một khái niệm khá rộng trong nhiều ngành nghề từ công nghệ, y dược, cơ khí, FMCG, vân vân. Trong giới hạn của bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào Quản lý sản phẩm trong ngành công nghệ (Technology Product Management).
Quản lý sản phẩm trong công nghệ nói một cách nôm na là quản lý quy trình hoàn thiện một sản phẩm công nghệ, bắt đầu từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, lập trình, cho đến khi công bố, hoàn thiện, bảo trì, phát triển. Đọc đến đây chắc các bạn sẽ tự hỏi những sản phẩm công nghệ là gì đúng không?
Sản phẩm công nghệ rất đơn giản là những công cụ liên quan đến công nghệ mà bạn thấy hàng ngày, từ chiếc điện thoại hay laptop, cho đến các ứng dụng, phần mềm, trang web dịch vụ, và cả những công nghệ hỗ trợ đằng sau tất cả những thứ ấy nữa. Chúng ta sẽ lấy một ví dụ như Facebook. Bản thân mạng xã hội Facebook là một sản phẩm công nghệ lớn. Bên trong Facebook sẽ chia ra thành từng sản phẩm nhỏ, ví dụ như trang web, ứng dụng Facebook, công cụ chat Messenger, vân vân.
-
Người Quản lý Sản phẩm làm gì?
Phát triển nên một sản phẩm công nghệ đòi hỏi một quá trình và kĩ năng, vốn kiến thức nhất định. Quá trình phát triển sản phẩm có thể bao gồm nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực và chuyên môn khác nhau. Điều đó đòi hỏi cần có một người điều phối và quản lý quy trình để đảm bảo công việc được tiến hành xuyên suốt, đúng tiến độ, và sản phẩm có thể đáp ứng được các yêu cầu đã đề ra. Đó là việc mà người quản lý sản phẩm (Product Manager) đảm nhiệm.
Một điều cần lưu ý và ghi nhớ là chức danh Quản lý Sản phẩm (Product Manager) không nhất thiết phải quản lý con người. Thường khi nhìn thấy từ Manager, chúng ta hay liên tưởng đến chữ “sếp”. Tuy nhiên, như tên gọi Quản lý Sản phẩm – Product Manager, người mang chức danh này quản lý sản phẩm, quá trình làm sản phẩm, và điều phối quá trình đó. Theo tiêu chuẩn của thế giới cho vị trí Product Manager, tất cả những thành viên trong đội của bạn, bao gồm Thiết kế sản phẩm (product designer) và lập trình viên/kĩ sư (developer/engineer) không phải là lính của bạn mà là đồng đội. Họ là những người kề vai sát cánh cùng bạn để tạo nên một sản phẩm thành công.
Ngoài ra, Quản lý Sản phẩm cũng cần phải làm việc với những phòng ban khác để đảm bảo sự thành công của sản phẩm như Tiếp thị Sản phẩm (Product Marketing), Dịch vụ khách hàng (Customer Service), Khảo sát thị trường (Market Research), Kinh doanh, các đội ngũ sản phẩm (product team) khác. Những mối quan hệ này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi căn bản tạo nên thành công của một sản phẩm mà mọi Quản lý Sản phẩm phải trả lời dưới đây.
Sản phẩm này sẽ mang đến những giá trị gì cho người dùng?
Đây là câu hỏi định ra tính hữu dụng (value) của một sản phẩm. Để trả lời được câu hỏi này, bạn cần phải có kiến thức về người dùng và thị trường mà sản phẩm này nhắm đến. Ví dụ như bạn muốn làm một phần mềm hoặc ứng dụng hỗ trợ các y bác sĩ và bệnh viện quản lý hồ sơ bệnh án, bạn cần biết công việc quản lý hồ sơ bệnh án bao gồm những bước gì, được làm bởi những ai, những vấn đề mà người quản lý hồ sơ bệnh án gặp phải và những điều họ cần có để hoàn thành công việc.
Để trả lời câu hỏi này, người Quản lý Sản phẩm cần làm việc với người dùng và các bên liên quan đến nghiên cứu, khảo sát.
Làm thế nào để sản phẩm này dễ sử dụng đối với người dùng?
Đây là câu hỏi để kiểm tra về cách sử dụng sản phẩm (usability). Một sản phẩm dù hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích nhưng lại quá khó để sử dụng và không tương thích với người dùng sẽ không thể thành công. Một trong những yếu tố đằng sau sự phổ biến của Zalo ở Việt Nam so với nhiều ứng dụng nhắn tin khác chính là giao diện Việt hóa cùng các tính năng được tối ưu cho tốc độ mạng chậm và không ổn định, một trong những vấn đề của mạng tại Việt Nam vào nhiều năm trước.
Để trả lời câu hỏi này, người Quản lý sản phẩm cần làm việc với bên Thiết kế sản phẩm (Product designer).
Sản phẩm này có khả thi để xây dựng hay không?
Đây là câu hỏi xác định tính khả thi (feasibility) của sản phẩm. Có rất nhiều giới hạn trong việc xây dựng một sản phẩm. Những giới hạn đó có thể là trình độ công nghệ hiện có, nhân lực, thời gian, nguồn vốn, vân vân. Thế giới này luôn luôn có những ý tưởng điên rồ, sáng tạo, có thể đem lại giá trị hoặc nguồn thu rất lớn, nhưng nếu không thể biến ý tưởng thành hiện thực thì ý tưởng chỉ là ý tưởng mà thôi. Ví dụ như ý tưởng về Dyson sphere (hệ thống vành đai gương phản xạ dùng để thu thập năng lượng từ những ngôi sao) hứa hẹn cung cấp đủ năng lượng để con người chinh phục các hành tinh trong Hệ mặt trời, là một ý tưởng vĩ đại và táo bạo, nhưng công nghệ và nguồn lực hiện tại chưa cho phép chúng ta hiện thực hóa ý tưởng đó.
Để trả lời câu hỏi này, người Quản lý sản phẩm cần nắm rõ những giới hạn và mặt thời gian, ngân sách và nguồn lực của lập trình viên/kỹ sư (Developer/Engineer).
Sản phẩm này có thể đem lại lợi ích kinh tế để duy trì hoạt động kinh doanh hay không?
Khía cạnh lợi ích kinh tế (viability) của sản phẩm là nhân tố quyết định khả năng tồn tại và phát triển của sản phẩm về lâu dài. Người Quản lý sản phẩm cần phải làm việc với các bên liên quan đến khách hàng, kinh doanh để trả lời câu hỏi này.
Bốn câu hỏi trên là nguyên tắc nằm lòng của mọi người Quản lý Sản phẩm (Product Manager).
(Draw.io file for easier editing: https://drive.google.com/file/d/1seXtt_9s4a5RWwj3iUTAc37A3gVbx1A6/view?usp=sharing)
ĐỊNH HƯỚNG & CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUẢN LÝ SẢN PHẨM (HOW)
Tâm thế (Mindset)
Quản lý một sản phẩm, trong trường hợp lý tưởng nhất, giống như mở một tiệm bánh vậy. Niềm đam mê bánh trái, tuy rất cần thiết, sẽ không đủ để giúp bạn đi đến cuối và vượt qua rất nhiều thử thách mà công việc này đòi hỏi. Công việc quản lý sản phẩm có thể sẽ khá nặng nhọc với nhiều buổi làm ngoài giờ, trằn trọc với những câu hỏi chưa có lời giải đáp và những lựa chọn khó khăn, băn khoăn cân bằng giữa nhiều mối quan hệ cũng như nguồn lực giới hạn. Đây là một vị trí mà gần như ai cũng có thể làm, nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt. Nếu bạn muốn làm tốt, chắc chắn là bạn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tâm thế tiên quyết mà một người làm Quản lý Sản phẩm phải có là DẤN THÂN.
Đọc đến đây rồi bạn đã muốn tắt bài viết này đi và chuyển sang đọc về ngành khác chưa? Nếu bạn vẫn thấy “thinh thích” hoặc “cực kỳ thích” công việc Quản lý Sản phẩm và tự hỏi mình nên chuẩn bị những gì thì hãy đọc tiếp nhé.
Thái độ
Chăm chỉ như một chú kiến
Quản lý Sản phẩm là một vị trí không dễ dàng và không nhàn hạ. Đây không phải là công việc cho một người chỉ muốn làm việc 8 giờ một ngày, 40 giờ một tuần và vẫn muốn làm tốt. Dĩ nhiên việc làm quá giờ không phải là lẽ dĩ nhiên với mọi Quản lý Sản phẩm, nhưng điều đó khá phổ biến trong ngành này. Nếu bạn muốn work-life balance thì cũng không có gì sai cả, nên hãy cân nhắc nhé.
Tò mò, tò mò và tò mò
Bên cạnh đó, đặc thù ngành công nghệ đòi hỏi bạn phải luôn nhạy bén với những công nghệ và xu hướng mới. Ngoài giờ làm việc, bạn sẽ cần phải đọc nhiều và học hỏi nhiều, không chỉ về công nghệ mà còn về tâm lý, khoa học, kinh tế, xã hội, văn hóa, bất cứ cái gì liên quan đến người dùng và công việc của bạn. Những điều đó sẽ cho bạn một vốn kiến thức rộng và cả sự khiêm tốn, cầu thị, để bạn luôn bắt kịp những yêu cầu về công việc trong một ngành vốn biến đổi nhiều này. Nếu bạn là một con mọt sách hoặc một người yêu học hỏi, thích khám phá thì xin chúc mừng, rất có thể bạn sẽ thích làm một Quản lý Sản phẩm.
Kỹ năng
Hiểu biết về ngành nghề liên quan đến sản phẩm
Mỗi một sản phẩm đều được làm ra để phục vụ một tập hợp người dùng với những nhu cầu cụ thể. Ví dụ như bạn muốn làm một người quản lý sản phẩm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thì bạn cần phải có một vài kiến thức căn bản về AI, lập trình, data, vân vân. Bạn không cần phải hiểu quá sâu đến mức có thể tự lập trình ra một sản phẩm AI, nhưng bạn cần biết những thuật ngữ cơ bản cũng như quy trình, và có thể còn nhiều hơn thế. Tùy vào sản phẩm và công ty mà yêu cầu cho vị trí Quản lý Sản phẩm sẽ khác nhau.
Điều này không có nghĩa là bạn chỉ có thể làm trong một ngành nhất định. Một kỹ năng quan trọng của người làm công tác quản lý sản phẩm là giao tiếp, xác định vấn đề và đặt câu hỏi. Không ai có thể biết tất cả mọi thứ, và với vị trí này, cách bạn giao tiếp và đặt câu hỏi sẽ quyết định thành công của bạn. Bạn không cần phải là người hướng ngoại, mà bạn cần có óc quan sát, khả năng phản biện và khả năng nhận định tốt, biết đâu là chỗ then chốt để hỏi.
Những kỹ năng mềm
Quản lý Sản phẩm là một vị trí vừa có yếu tố kinh doanh (business), vừa có yếu tố kỹ thuật (technical). Những kĩ năng mềm bạn cần có chính là kĩ năng của một doanh nhân, bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp
Bạn cần tập được năng lực giao tiếp mạch lạc, ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả. Dù là nói bằng miệng, thuyết trình hay viết, bạn đều cần phải biết được mình muốn truyền đạt điều gì và nên diễn đạt như thế nào, cũng như nắm bắt được đối tượng tiếp nhận giao tiếp.
- Kỹ năng đàm phán
Để làm ra một sản phẩm, bạn không làm một mình. Bạn sẽ phải thuyết phục cấp trên, cấp dưới, cấp ngang, các bên liên quan, để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
- Kỹ năng quản lý thời gian và đầu việc
Quản lý Sản phẩm yêu cầu bạn biết cách cân bằng giữa rất nhiều nguồn lực và đảm bảo đội ngũ hoạt động hiệu quả. Có được kĩ năng này, bạn sẽ bớt đi rất nhiều những giờ căng thẳng moi móc trí nhớ vì vài việc quan trọng bị lãng quên nay mới lại trồi lên. Dĩ nhiên khi bạn quản lý công việc tốt thì năng suất của bạn sẽ tăng lên.
- Ngoại ngữ
Đặc biệt là tiếng Anh. Quản lý Sản phẩm là một ngành không được giảng dạy chính quy ở Việt Nam. Nếu bạn không đi du học, bạn sẽ phải tự học rất nhiều. Trên mạng có rất nhiều tài nguyên để học về ngành này, nhưng phần lớn bằng tiếng Anh. Nếu bạn muốn tiếp cận chúng, bạn phải khá giỏi tiếng Anh.
Khi đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, hãy tự tin học thêm ngôn ngữ khác nếu thích. Đó sẽ là cánh cửa để bạn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.
Kiến thức chuyên môn
Công việc Quản lý Sản phẩm đòi hỏi bạn cần có những kiến thức liên quan đến công nghệ và công việc quản lý sản phẩm. Tin vui là hiện nay có rất nhiều tài nguyên trên mạng mà bạn có thể tham khảo để đạt được điều này. Thật ra, kiến thức chuyên môn dễ nắm bắt và đo lường hơn kỹ năng mềm rất nhiều. Chỉ cần bạn chăm chỉ và học tập một cách hợp lý, đây sẽ không phải là thách thức quá lớn với bạn. Dĩ nhiên nếu bạn có xuất phát điểm không liên quan nhiều đến công nghệ, toán học, hoặc bạn không có thiên hướng về khoa học tự nhiên thì bạn có thể sẽ thấy việc nắm bắt những khái niệm kĩ thuật không được dễ cho lắm; nhưng nếu bạn có quyết tâm và thật sự yêu thích thì kiến thức chuyên môn không nên là thứ cản trở bạn.
Tùy vào vị trí và đặc thù của sản phẩm mà lượng kiến thức chuyên môn đòi hỏi cho một vị trí Quản lý Sản phẩm sẽ có sự khác biệt. Nói một cách căn bản thì kiến thức chuyên môn cho Quản lý Sản phẩm có hai nhóm.
- Kiến thức về lập trình, thiết kế, phát triển sản phẩm
- Kiến thức về công việc Quản lý Sản phẩm và quy trình thiết kế, phát triển sản phẩm
Phạm vi bài viết không thể bao quát tất cả những kiến thức này. Nếu bạn chưa qua trường lớp chính quy, cách tốt nhất để học chính là hãy hỏi ai đó hoặc google ngay khi có thắc mắc trong lúc làm việc hoặc lúc tìm hiểu về ngành.
Bối cảnh & xu hướng Những con đường để trở thành Quản lý Sản phẩm
-
Theo đuổi các ngành liên quan đến công nghệ
Ví dụ như Computer Science, Engineering, Data Science. Quản lý Sản phẩm công nghệ thì dĩ nhiên phải hiểu về công nghệ. Đây không phải là những con đường duy nhất để bạn trở thành Quản lý Sản phẩm, nhưng nếu đi trên con đường này, bạn sẽ có một nền tảng để khởi đầu thuận lợi hơn, đặc biệt là khi bạn ứng tuyển ở những thị trường khá phát triển về công nghệ như Mỹ, Anh, và Úc.
-
Theo đuổi các ngành liên quan đến thiết kế, mỹ thuật
Nghe có vẻ ngược đời vì thiết kế hay mỹ thuật có vẻ không liên quan mấy đến công nghệ, nhưng hãy nhìn vào Steve Jobs. Ông là ví dụ điển hình của việc một người làm về sản phẩm có con mắt và tiêu chuẩn thẩm mỹ cao đã đem đến thành công của Apple.
Một vị trí có thể phát triển đến vị trí Quản lý Sản phẩm chính là Thiết kế Sản phẩm (Product Designer). Khác với Thiết kế Đồ họa (Graphic Designer), Thiết kế Sản phẩm chịu trách nhiệm về giao diện và trải nghiệm người dùng trên sản phẩm. Họ đóng vai trò như người phiên dịch những nhu cầu của người dùng và đưa tính năng của sản phẩm vào một bức tranh tương tác dễ sử dụng và dễ hiểu.
Người làm Thiết kế Sản phẩm thường làm việc chặt chẽ với Kỹ sư lập trình Giao diện (Front-end Engineer), do đó họ cũng cần phải có những kiến thức về công nghệ và lập trình bên cạnh mắt thẩm mỹ và khả năng thấu hiểu hành vi người dùng.
-
Làm một chuyên gia của một ngành khác
Có thể bạn thấy từ chuyên gia có vẻ to tát, nhưng nếu bạn không đi theo hai con đường trên, thì bạn bắt buộc phải có một thế mạnh rất nổi trội để làm một Quản lý Sản phẩm.
Một số sản phẩm công nghệ đòi hỏi người làm sản phẩm phải có hiểu biết về ngành hoặc đối tượng người dùng sâu sắc. Với những sản phẩm phục vụ cho một thị trường hay đối tượng đặc thù và việc tìm một người Quản lý Sản phẩm hội tụ đủ cả kiến thức về ngành và kiến thức công nghệ quá khó, các công ty thường tìm đến giải pháp tuyển dụng Quản lý Sản phẩm là chuyên gia về ngành (Industry Expert) và ghép họ với một người có chuyên môn kỹ thuật (Technical Product Manager/Technical Program Manager/Product Owner/Engineer Manager) để cùng xây dựng sản phẩm.
Ví dụ như bạn muốn làm sản phẩm để phục vụ việc quản lý các công việc trong trường học bao gồm lên lịch giảng dạy, sắp xếp nhân sự giáo viên, chấm điểm, sắp xếp học sinh, v.v… bạn rất cần một người có hiểu biết sâu sắc về quản trị giáo dục và nhà trường. Tuy nhiên, những người như vậy thường là giáo viên và họ có thể sẽ không có nhiều kiến thức về công nghệ.
Con đường này tương đối hẹp vì không phải ai cũng muốn giữa đường đổi ngành, và không phải ai cũng thành công. Trong quá trình làm việc, bạn cũng vẫn cần phải bổ sung kiến thức công nghệ, đó có thể là một thách thức cho bạn. Chưa kể là những sản phẩm phục vụ thị trường ngách thường không nhiều bằng những sản phẩm nhắm đến đối tượng đại trà. Có nhiều trường hợp sáng lập công ty của những sản phẩm ấy cũng khá am hiểu về ngành và họ cũng đồng thời làm công việc quản lý sản phẩm.