Ở các trường học tại Mỹ, bảng điểm cụ thể và điểm số trung bình học thuật (hay còn gọi là GPA) là một tiêu chí quan trọng được yêu cầu trong hồ sơ tuyển sinh của các thí sinh. Mỗi trường sẽ có mức yêu cầu riêng với GPA theo từng bậc học, từng chuyên ngành. Hiểu rõ được tiêu chí này sẽ là một lợi thế lớn cho các ứng viên trong quá trình xin học bổng.
Bảng điểm
Bảng điểm là hồ sơ học tập ghi lại toàn bộ các môn học, điểm số, bằng cấp chứng nhận đã đạt được của học sinh trong suốt quá trình học tập. Bảng điểm được xem là văn bằng chính thức thể hiện cho kết quả học tập của sinh viên. Thông thường, bảng điểm được gửi dưới dạng trực tuyến thông qua email của nhà trường hoặc bản cứng có dấu chứng nhận của nhà trường. Phụ thuộc vào từng trường học, bảng điểm được thể hiện khác nhau, tuy nhiên, tài liệu này luôn thể hiện một số tiêu chí chung được hội đồng tuyển sinh xem xét kỹ lưỡng, bao gồm: ngành học, tên môn học, số tín chỉ, số điểm đạt được, và điểm trung bình.
Trong bộ hồ sơ xin học bổng, nhà trường sẽ yêu cầu thí sinh nộp bảng điểm kèm theo của các bậc học trước đó, thông thường từ bậc đại học trở lên. Với bậc học hiện tại, nếu bạn chưa hoàn thành, bạn cần gửi bảng điểm tạm thời từ đầu chương trình học cho đến nay. Bảng điểm chính thức cần có chứng nhận của nhà trường hoặc được gửi trực tiếp từ hệ thống email của nhà trường tới trường bạn đăng kí theo học. Tuy nhiên, trong quá trình nộp hồ sơ, điều này không bắt buộc ở một số trường, Với những trường như vậy bạn có thể hoàn thiện hồ sơ với bảng điểm tạm thời; sau khi được nhận học, bạn cần gửi lại bảng điểm chính thức cho nhà trường.
Bảng điểm phải được viết bằng ngôn ngữ gốc cộng với bản dịch nếu ngôn ngữ gốc không phải là tiếng Anh. Bảng điểm được dịch từ trường học cung cấp hoặc từ các dịch vụ dịch thuật hợp pháp; bản tự dịch hoặc bản dịch công chứng sẽ không được chấp nhận.
Yêu cầu bảng điểm là chỉ tiêu chung trong quá trình đăng ký hồ sơ. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà hội đồng tuyển sinh hướng tới là điểm GPA trong quá trình học tập.
Điểm trung bình (GPA)
Khái niệm
GPA (Grade Point Average) là điểm trung bình của sinh viên trong suốt quá trình học tập, được đánh giá theo hệ thống giáo dục Mỹ. GPA được tính theo thang điểm 4 với mức điểm dao động từ 0 – 4 điểm được thể hiện trong bảng điểm hoặc học bạ.
Tuy nhiên, trong quá trình học tập, với mỗi lớp học, hệ thống giáo dục Mỹ quy định đánh giá kết quả học tập của sinh viên với các chữ cái A, B, C, D và F. Một số trường đại học còn có các mức điểm + và – cho mỗi chữ cái đó. Phổ biến nhất, điểm A sẽ là điểm cao nhất và điểm F là điểm thấp nhất. Điểm A tương đương 4 điểm. Điểm B tương đương 3 điểm là điểm khá. Điểm C tương đương 2 điểm là điểm trung bình. Điểm D tương đương 1 điểm là điểm yếu đủ để qua môn. Điểm F tương đương 0 điểm là điểm kém và bạn bị trượt môn.
Cách tính điểm GPA
Theo cách chấm điểm như trên, kết thúc mỗi kì học, điểm số A-F sẽ được quy đổi thành mức từ 0-4 trong bảng điểm, từ đó, điểm GPA sẽ được tính dựa trên điểm từng môn học và thời gian học. Tùy thuộc vào nội dung, tầm quan trọng, mỗi môn học sẽ được cung cấp một số lượng thời gian học nhất định được tính theo đơn vị tín chỉ, thời gian học càng dài số lượng tín chỉ càng lớn và trọng số điểm môn học sẽ càng cao. GPA sẽ được tính qua hai bước:
Bước 1: Điểm của từng môn học nhân với số tín chỉ của chính môn đó
Bước 2: Tổng các điểm vừa cộng được chia cho tổng số tín chỉ đã học trong kỳ học
GPA = ∑Điểm trung bình môn X số tín chỉ Tổng số tín chỉ
Điểm GPA của bạn sẽ được làm tròn đến sau số thập phân 2 chữ số. Ví dụ: Nếu điểm GPA là 3.54375 thì sẽ được làm tròn thành 3.54.
Ngoài ra, kết thúc bậc học, học sinh sẽ được tính điểm GPA trung bình tổng cho cả khóa học.
GPA = ∑Điểm trung bình môn X số tín chỉ Tổng số tín chỉ
Sự khác biệt giữa các bảng điểm và cách quy đổi
GPA là một trong hệ thống chấm điểm phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều hệ thống phân loại khác. Ví dụ:
- Hệ thống phân loại bằng chữ cái A-F: ở Mỹ, Canada, Thái Lan, Ả Rập Saudi, v.v.
- Hệ thống phân loại bằng số 1-10: ở Hà Lan, Colombia, Latvia, Israel, v.v.
- Hệ thống phân loại bằng số 1-5: ở Đức, Áo, Nga, Slovakia, Paraguay, v.v.
- Hệ thống phân loại bằng tỷ lệ: ở Kuwait, Bỉ, Hungary, Ba Lan, v.v.
Vì vậy, nắm bắt được giá trị quy đổi từ các thang điểm này sang thang GPA sẽ giúp thí sinh hoàn thiện hồ sơ tốt nhất cho các bậc học tại Mỹ.
Thang điểm 10 | Thang điểm chữ | Thang điểm 4 (GPA) | Thang điểm tỷ lệ (%) | Xếp loại | |
8.5 – 10 | A | 4.0 | 90-100 | Giỏi | |
8.0 – 8.4 | B+ | 3.5 | 87-89 | Khá giỏi | |
7.0 – 7.9 | B | 3 | 80-86 | Khá | |
6.5 – 6.9 | C+ | 2.5 | 77-79 | Trung bình khá | |
5.5 – 6,4 | C | 2 | 70-76 | Trung bình | |
5.5 – 6,4 | D+ | 1.5 | 67-69 | Trung bình yếu | |
4.0 – 4.9 | D | 1 | 65-66 | Yếu | |
<4.0 | F | 0 | <65 | Kém (không đạt) |
Tuy nhiên, không phải lúc nào tất cả sinh viên cũng phải chuyển đổi điểm GPA sang hệ Mỹ. Một số trường tại Mỹ đã chấp nhận thang điểm 10 của Việt Nam, vì thế, nếu trường tại Mỹ không yêu cầu chuyển đổi, sinh viên có thể giữ nguyên hệ 10 vì khi giữ nguyên điểm 7.0 – 8.0 của Việt Nam sẽ thấy giá trị hơn.
GPA tổng và GPA chuyên ngành
Ngoài điểm GPA tổng (Overall GPA) được nhắc đến ở trên, một số trường yêu cầu thí sinh nộp điểm GPA chuyên ngành (Major GPA). Điểm GPA chuyên ngành cũng được hiểu là điểm trung bình môn nhưng chỉ xét những môn học theo chuyên ngành bạn nộp hồ sơ. Ví dụ, nếu bạn là chuyên ngành sinh học (biology), điểm GPA chuyên ngành của bạn dựa trên điểm số bạn có trong tất cả các lớp sinh học và trong các lớp khác dành riêng cho chương trình học của bạn.
Trong khi, điểm GPA tổng thể hiện khả năng học tập chung thì GPA chuyên ngành rất quan trọng cho việc bạn theo đuổi nghiên cứu, việc làm và xây dựng hồ sơ đăng ký các chương trình học sau đó liên quan đến chuyên ngành của bạn.
Một số học sinh có điểm GPA chuyên ngành cao nhưng GPA tổng lại thấp. Không cần quá lo lắng cho điều này, quan trọng bạn cần thuyết phục cho hội đồng tuyển sinh rằng bạn đã thực sự tập trung và làm tốt trong lĩnh vực đó. Ngược lại, nếu GPA tổng cao nhưng GPA chuyên ngành lại thấp, bạn có thể giải thích cho nhà tuyển dụng lý do về mức điểm GPA chuyên ngành này.
Tầm quan trọng của bảng điểm và GPA trong hồ sơ xin du học
Bảng điểm là một yếu tố quan trọng vì nó thể hiện khả năng của ứng viên đạt kết quả cao trong học tập ở nhiều môn hay lĩnh vực khác nhau trong thời gian dài hay các ứng viên có được trang bị các kỹ năng cần thiết cho chương trình sắp tới. Cụ thể, thông qua điểm GPA, ban tuyển sinh đánh giá học lực của học sinh, qua đó phần nào thể hiện trình độ học thuật và mức độ cố gắng trong học tập. Đây là công cụ được được các trường sử dụng để đưa ra mức sàn yêu cầu với các thí sinh. Hầu hết các trường thường yêu cầu điểm tối thiểu từ 7.0/10 (tương đương 3.0/4) trở lên và đương nhiên những trường xếp thứ hạng cao hay trường top đầu sẽ yêu cầu mức điểm cao hơn nhiều cùng với những yêu cầu đi kèm.
Tuy nhiên, ở Mỹ và nhiều nền giáo dục khác, điểm trung bình học tập GPA, không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá trình độ của một thí sinh. Nếu GPA của bạn không cao cũng không cần lo lắng. Bạn hoàn toàn có thể nhận được mức học bổng cao nếu chứng mình được bạn nghiêm túc trong việc đi học và có nỗ lực trong việc cải thiện bản thân. Thêm vào đó, ứng cử viên có thể cân nhắc nhiều yếu tố khác để làm đẹp bảng thành tích của mình mà các trường thường nhắm đến như: khả năng lãnh đạo, thành tích nghiên cứu, đóng góp cho xã hội và cộng đồng, hay thành tích ngoại khóa. Ngoài ra, bạn có thể nâng cao điểm số trong những chứng chỉ khác như: GMAT, GRE, TOEFL, IELTS, PTE, hay các chứng chỉ quốc tế khác cũng sẽ giúp bạn có thêm điểm cộng từ hội đồng tuyển sinh.
Nếu bạn nộp đơn vào các chương trình PhD, thành tích trong nghiên cứu được một số chương trình học bổng đánh giá cao hơn cả GPA. Vì nó thể hiện năng lực thực sự và đam mê của ứng viên hơn là khả năng tiếp thu kiến thức đơn thuần. Những công trình nghiên cứu có giá trị sẽ thể hiện đẳng cấp về học thuật và tâm huyết đầu tư thời gian, vật lực và trí lực trong một công việc nghiêm túc, là điều mà các trường đại học thiên về nghiên cứu luôn hướng tới.
Nguồn tham khảo
- Một hồ sơ bảng điểm là gì và khi nào học sinh cần một hồ sơ? (https://www.mastersportal.com/articles/379/what-is-a-transcript-of-records-and-when-do-students-need-one.html)
- Điểm GPA và hệ thống tín chỉ (https://avi.edu.vn/diem-gpa-va-he-thong-tin-chi/)
- Điểm trung bình là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy? (https://www.mastersportal.com/articles/2126/what-is-a-gpa-and-why-is-it-so-important.html)
- Cách chuyển đổi điểm trung bình của bạn sang thang điểm 4.0 (https://pages.collegeboard.org/how-to-convert-gpa-4.0-scale)