Không thể phủ nhận việc chọn trường được coi là quyết định khó khăn nhất chỉ sau quyết định lên đường du học Thạc sĩ ở Mỹ. Bởi lẽ ai cũng sẽ có 1 danh sách các tiêu chí cần xét đến: chi phí, tỉ lệ đỗ, chương trình học, cơ hội việc làm,… sao cho không chỉ đáp ứng khả năng hiện tại của bản thân, mà còn xứng đáng với khoản đầu tư của bạn và gia đình. Việc chọn sai trường có thể khiến bạn nản chí, gặp khó khăn trong việc hòa nhập, thậm chí phải dừng việc học lại.
Bài viết sẽ chia sẻ một số tiêu chí quan trọng nhất khi chọn trường du học thạc sĩ. Ngoài việc giải thích các tiêu chí, thông qua kinh nghiệm của những “tiền bối”, bài viết cũng đánh giá chủ quan các yếu tố cần đưa vào danh sách cần cân nhắc theo mức độ quan trọng giảm dần.
Kinh phí
Cho dù chuyện du học đã được cân nhắc đến khả năng tài chính cho phép, vấn đề chi phí cho 1-2 năm học Thạc sĩ vẫn là yếu tố quan trọng để có lựa chọn tiết kiệm và hiệu quả nhất. Các chi phí cho việc du học có thể tách thành: học phí, phí sinh hoạt và các loại phí khác.
Học phí
Học phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phố du học, loại hình trường học, mức độ tín nhiệm và danh tiếng của trường học,… Trường công lập ở Mỹ thường có học phí phải chăng hơn so với trường tư. Trường càng nổi tiếng thì học phí cũng có xu hướng cao hơn, học phí ở các trường trong khối Ivy League dao động ở khoảng 40,000 – 60,000 USD, cao hơn mức học phí trung bình của các trường công và trường tư ở Mỹ
So sánh học phí trung bình ở trường công và trường tư ở Mỹ, năm học 2019 – 2020 (US News)
Sinh hoạt phí
Sinh hoạt phí bao gồm nhà ở và các loại sinh hoạt phí khác. Bạn nên xem xét trường học bạn muốn ứng tuyển cung cấp kí túc xá dành cho sinh viên cao học không, kí túc xá ở trong trường hay ngoài trường. Theo mức độ chi phí tăng dần có thể sắp xếp theo thứ tự: kí túc xá trong trường, kí túc xá ngoài trường, homestay và thuê nhà riêng. Về sinh hoạt phí, chắc chắn các trường tọa lạc nơi thành phố sầm uất sẽ có mức phí sinh hoạt đắt đỏ hơn so với các trường ở thị trấn nhỏ.
Các loại phí khác
Về các loại phí khác, ngoài phí thị thực cho du học sinh với mức giá cố định, quá trình ứng tuyển vào các trường khác nhau cũng đòi hỏi những mức chi phí có thể khác nhau: phí Sevis (180 USD (J1) – 200 USD (F1, M1)), lệ phí phỏng vấn, khám sức khỏe, phí bảo hiểm sức khỏe (khá cao và bắt buộc đối với toàn bộ sinh viên), bảo hiểm nhà ở (rental insurance), bảo hiểm xe (car insurance) (nếu có),… (trong trường hợp hồ sơ được nhận). Bạn nên tìm hiểu thông tin này trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Chương trình học
Cũng tương tự như việc chọn trường ở Việt Nam, ai cũng sẽ có xu hướng lựa chọn trường không chỉ cung cấp ngành học mà bạn muốn theo đuổi, mà hơn thế là có thế mạnh đào tạo nổi trội hơn các trường khác.
Về chương trình học: suy nghĩ kĩ về mục đích nghề nghiệp, mục đích học thuật và tìm kiếm trường đáp ứng mục tiêu học tập của bạn, nếu bạn muốn phục vụ cho việc đi làm tại các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chuyên môn thì nên chọn trường có chất lượng đào tạo ngành đó tốt, ngược lại, nếu bạn có xu hướng theo đuổi các ngành nghề nghiên cứu, thì việc chọn người hướng dẫn lại rất quan trọng. Việc tìm hiểu về chương trình học có thể thực hiện qua việc đọc tóm tắt mục tiêu, lộ trình đào tạo, danh sách các môn học bắt buộc và lựa chọn trên website các trường, hoặc thông qua việc lập networking với các tiền bối để có cái nhìn chân thực nhất về nội dung học.
Ngoài chương trình học, bạn cũng nên cân nhắc đến các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất và nguồn tài liệu tham khảo cho quá trình học tập của bạn ví dụ như phòng thí nghiệm, thư viện, các gói hỗ trợ, các cơ hội trợ giảng, nghiên cứu sinh, thực tập sinh,…
Tỷ lệ nhận/ độ chọn lọc
Những trường có độ chọn lọc cao là trường có số người nộp đơn rất cao nhưng số người được nhận rất ít. Lời khuyên của những người đi trước là bạn hãy lập cho mình danh sách các trường tiềm năng, trong đó, ưu tiên hàng đầu dành cho hai trường an toàn mà bạn khá chắc chắn sẽ được chấp nhận (với các tiêu chuẩn, đòi hỏi, rankings không quá cao), hai trường bạn có cơ hội cạnh tranh và một trường “mơ ước” nhưng không phải không thể. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và đem lại kết quả như ý.
Một trong các kênh tham khảo độ chọn lọc của top 100 trường Đại học của Mỹ, cập nhật năm 2020
Mức học bổng, gói hỗ trợ
Đa số các trường ở Mỹ, khi nộp hồ sơ nhập học bạn sẽ tự động được xét cho tất cả các loại học bổng sẵn có. Thông thường các trường đại học Mỹ áp dụng 3 loại học bổng cho các sinh viên muốn học thạc sĩ:
- Need-based scholarships: là loại học bổng căn cứ trên kết quả học tập đại học hoặc của chương trình cao học trước, bạn cần có bộ hồ sơ mạnh về học thuật: học lực giỏi, điểm chuẩn hóa cao, các hoạt động ngoại khóa, xã hội. Thường loại học bổng này dễ “săn” nhưng hỗ trợ không quá 50% mức học phí.
- Merit-based scholarships: là loại học bổng dựa vào thành tích học tập xuất sắc và năng khiếu đặc biệt về học thuật, nghệ thuật, như khả năng đóng góp vào đội thể thao hay văn nghệ của trường để đánh giá.
- Federal Student Aid: là học bổng dựa trên cam kết hỗ trợ đào tạo những ngành mới đang thiếu sinh viên hoặc sinh viên các nước gửi đi tu nghiệp nước ngoài.
Những trường tư thục với nguồn tài chính dồi dào thường có nguồn học bổng phong phú hơn so với các trường công. Tuy nhiên, trong thực tế không có nhiều học bổng cho bậc cao học, hầu như sinh viên phải tự chi trả qua các cơ hội việc làm khác để giảm gánh nặng tài chính như: trợ giảng, phụ giúp các giáo sư, làm bán thời gian ở thư viện… Vì vậy, bạn có thể tham khảo ở các trang web cho sinh viên quốc tế như Study USA, US Embassy,… để có cái nhìn tổng quát. Ngoài ra bạn có thể theo dõi trực tiếp trên website của trường, hoặc email cho ban tuyển sinh để có thông tin cập nhật và chính xác nhất về thời gian cấp, yêu cầu và mức học bổng để có chiến lược ôn thi và chuẩn bị cho phù hợp.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Cơ hội việc làm phụ thuộc vào 2 thứ: nhu cầu lao động của ngành học mà bạn lựa chọn, và cơ hội mà trường đại học mang lại cho bạn.
Về nhu cầu lao động, cũng cần xác định rõ kế hoạch hậu tốt nghiệp của mình, bạn dự định sẽ làm việc ở đâu, liệu ngành nghề này sẽ có những vị trí nào tiềm năng nào, kĩ năng chuyên môn được yêu cầu là gì.
Về phía trường học, bạn có thể tham khảo trang Top Universities để xem mức độ cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của các trường đại học Mỹ để có cái nhìn chung nhất, ngoài ra nhiều trường cũng công khai số liệu về tỉ lệ sinh viên nhận được việc làm sau khi tốt nghiệp, cũng như mức lương của người mới tốt nghiệp để bạn tham khảo. Ngoài ra, nói chuyện thêm với advisor, người đi trước để nhận được gợi ý về ranking của trường cũng là một cách hay để đánh giá cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Xếp hạng trường
Xếp hạng trường có mức độ quan trọng sau xếp hạng ngành. Độ ranking của trường nên chỉ mang tính chất tham khảo tương đối, quan trọng là bạn tìm được ngôi trường có thế mạnh đào tạo ngành học bạn theo đuổi, đáp ứng các nhu cầu về kinh phí, hỗ trợ tài chính,… của bạn.
Để kiểm tra thứ hạng trường, bạn có thể lên website của trường để đọc và tìm hiểu, hoặc qua các kênh thứ ba như US News, World Report, Forbes, Business Week. Bên cạnh việc xem xét thứ hạng, chất lượng của các trường về kinh doanh (Business School) tại Mỹ còn có thể được đánh giá thông qua việc trường có được công nhận bởi AACSB.
Vị trí địa lý
Vị trí địa lý cũng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp bạn hoàn thành chương trình thạc sĩ 2 năm một cách thuận lợi nhất.
Về mặt khí hậu, có khá nhiều nguồn tham khảo giúp bạn hiểu thêm về sự phân tách khí hậu tại Mỹ. Phía Đông Nam (bao gồm các bang Florida, Georgia, South Carolina, North Carolina và Tennessee), phía Nam nước Mỹ (các bang Louisiana, Mississippi, Oklahoma và Texas) và phía Đông Bắc (bang Massachusetts, New York, Connecticut…) là nơi có kiểu khí hậu ôn hòa, dễ chịu.
Khu vực trung tây nước Mỹ (bang Illinois, Indiana, Iowa, Kentucky, Michigan, Missouri, Ohio, Minnesota, Nebraska, North Dakota và South Dakota…) là nơi có khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông. Khu vực Tây Bắc nước Mỹ (Idaho, Montana, Oregon, Washington và Wyoming) là nơi có mùa hè mát mẻ và khô nhất. Phía Tây và Tây Nam (bang Arizona, California, Colorado, Nevada, New Mexico và Utah) là nơi chỉ có 2 loại thời tiết: hoặc quanh năm nóng, khô cằn ở các vùng sa mạc hoặc quanh năm lạnh ở các vùng núi cao.
Cuộc sống sinh hoạt
Về mặt cuộc sống sinh hoạt: tùy vào sở thích và nhu cầu ứng dụng cho việc học tập, bạn có thể lựa chọn trường tọa lạc ở thị trấn nhỏ yên bình hoặc thành phố náo nhiệt với nhiều địa điểm vui chơi giải trí, mua sắm, cũng như việc tiếp cận các địa điểm triển lãm, nghệ thuật, sao cho mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của bạn trong quá trình học tập.
Tóm lại, có vô vàn yếu tố cần được cân nhắc và tính toán trước khi nộp hồ sơ du học Thạc sĩ. Tuy vậy, điều quan trọng là đơn giản hóa nhu cầu của bản thân, xét xem đâu là tiêu chí thực sự quan trọng và giảm nhẹ tầm ảnh hưởng của các yếu tố còn lại, để quá trình chuẩn bị và ứng tuyển được bắt đầu sớm và thuận lợi nhất!
Nguồn tham khảo:
- Hỗ trợ tài chính du học Mỹ (https://scholarshipplanet.info/vi/ho-tro-tai-chinh-du-hoc-my/)
- 6 yếu tố quyết định chọn trường du học (https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/6-yeu-to-quyet-dinh-viec-chon-truong-du-hoc.35A4F619.html)
- Kinh nghiệm xin học bổng du học Thạc sĩ (https://www.facebook.com/notes/mai-y-dat/kinh-nghi%E1%BB%87m-xin-h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng-du-h%E1%BB%8Dc-th%E1%BA%A1c-s%C4%A9/915844691840385/)
- Hướng dẫn về cao học (https://www.gograd.org/graduate-school-guide-book/)
- Cách chọn trường cao học (https://www.princetonreview.com/grad-school-advice/choosing-a-school)
- Danh sách trường đại học thuộc Ivy League đều xếp hạng từ thấp nhất đến đắt nhất
- Chọn trường và chương trình cao học (https://www.uis.edu/career/students/career-planning/active-decision-making/choosing-a-graduate-school/)
- Trích dẫn phỏng vấn