Seminar (tạm dịch là các hội thảo học thuật) là một trong những hoạt động trao đổi nghiên cứu học thuật phổ biến nhất tại các trường đại học nghiên cứu của Mỹ. Đồng thời, tham dự các seminar thường được xem như là một yêu cầu bắt buộc hoặc được khuyến khích mạnh mẽ với tất cả các Nghiên cứu sinh ngay từ những ngày đầu tiên trong chương trình. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu tổng quan về các seminar cũng như chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc tham dự các buổi seminar.
Tổng quan về seminar
Ở phần lớn các khoa và viện trong các trường đại học nghiên cứu của Mỹ, seminar có vai trò quan trọng trong việc giúp các giáo sư và sinh viên trao đổi và tiếp cận với các nghiên cứu mới nhất trong ngành. Seminar có thể được xem như một diễn đàn chính thức để diễn giả giới thiệu và thảo luận những nghiên cứu mới của mình; các thảo luận tại seminar có thể là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo hoặc thậm chí tạo ra những hợp tác nghiên cứu mới.
Chính vì tầm quan trọng như vậy, trong một khoa, các seminar thường được thường được tổ chức thường xuyên, định kì hàng tuần hoặc 2 tuần một lần. Thậm chí ở một số khoa và viện lớn, các seminar còn được tổ chức theo các nhóm nghiên cứu. Ví dụ, ở khoa Thống kê của trường đại học Stanford, có 2 chuỗi seminar được chạy song song, bao gồm một chuỗi seminars về Xác suất (probability) và một chuỗi seminars về Thống kê (statistics).
Thời gian của các seminars thường cố định và thường được chọn để số lượng faculty và nghiên cứu sinh có thể tham dự được là nhiều nhất. Độ dài của mỗi seminar thay đổi theo các lĩnh vực khác nhau. Phổ biến nhất, mỗi seminar bao gồm một phần trình bày và phần thảo luận (Q&A) sau đó trong khoảng 1 tiếng; tuy vậy trong một số ngành như Kinh tế học (Economics) hay Tài chính (Finance), các seminar có thể kéo dài hơn 2 tiếng khi người tham dự đặt câu hỏi cùng lúc với bài trình bày.
Mỗi khoa hoặc nhóm nghiên cứu thường có một người phụ trách việc tổ chức seminar (seminar organizers), thường được thay đổi luân phiên giữa các faculty theo từng năm học. Công việc chính của những người này là sắp xếp lịch trình của seminar, đảm bảo số lượng diễn giả cần thiết cho các seminar được diễn ra thường xuyên và có chất lượng tốt. Tuy những diễn giả seminars có thể đến từ cả ở trong khoa (internal speaker) và ngoài khoa (invited speaker), phần lớn diễn giả trong các seminar đến từ bên ngoài và được mời từ một faculty trong khoa. Trong nhiều trường hợp, những seminar hay gắn liền với một chuyến công tác chính thức của khách mời tới khoa; vì vậy, họ có thể thường tới trước hoặc ở lại sau seminar để nói chuyện trực tiếp riêng với faculty và nghiên cứu sinh trong khoa quan tâm tới nghiên cứu của mình.
Một số khoa và chương trình còn có những seminar dành riêng cho Nghiên cứu sinh trình bày các dự án đang thực hiện của mình. Tuy những seminar này thường mang tính chất ít trang trọng hơn những seminar chính thức, những seminar này là cơ hội rất tốt để Nghiên cứu sinh thực hành kỹ năng trình bày và nhận được đóng góp cho những dự án của mình từ những Nghiên cứu sinh và giáo sư khác, bên ngoài những người hướng dẫn trực tiếp và trong hội đồng luận văn của mình.
Làm thế nào để tham dự seminar hiệu quả?
Một trong những khó khăn thường gặp trong những lần đầu tham dự các seminar của các nghiên cứu sinh là việc cảm thấy bị nản chí khi không hiểu nội dung của các bài trình bày. Sự thực là hầu như tất cả những người tham dự seminar, kể cả với những giáo sư lâu năm trong ngành, cũng không hiểu hết những nội dung chi tiết được trình bày trong seminar trừ những người nghiên cứu trực tiếp trong chủ đề được nói tới. Điều này có thể bắt nguồn từ việc nội dung trình bày trong các seminar học thuật phần lớn đều có tính chuyên môn hoá cao; bản thân diễn giả cũng cần mất rất nhiều tháng hay nhiều năm để hiểu những nội dung này, vì thế, rất khó để một ai đó chưa biết tới nội dung này có thể hiểu được chỉ trong một seminar với thời gian hạn hẹp (1-2 tiếng). Tuy vậy, theo thời gian, khi bạn tham gia càng nhiều các seminars cũng như học và tham gia nghiên cứu trong chương trình đào tạo tiến sĩ, bạn sẽ dần dần hiểu nhiều hơn nội dung trình bày trong các seminar, đặc biệt là có cái nhìn tổng quan về chủ đề đang được nói tới.
Thêm vào đó, kể cả khi bạn thực sự không hiểu nội dung chi tiết trong các seminar, hãy coi seminar là một cơ hội để bạn học thêm về kỹ năng trình bày nghiên cứu. Trong cộng đồng khoa học, dù ở bất cứ ngành nào, khả năng trình bày kiến thức và nghiên cứu một cách mạch lạc và dễ hiểu luôn luôn được đánh giá cao, nên các seminar (cùng với các hội thảo) là nơi rõ nhất để bạn học về những kĩ năng này. Khả năng trình bày nghiên cứu thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực, từ cách làm slides, cách đặt vấn đề cho tới cách diễn giải các chi tiết kĩ thuật phức tạp. Trải qua các seminars, bạn sẽ dần nhận ra cả những bài trình bày tốt và cả những bài không tốt; từ đó bạn có thể áp dụng nó trong những lần trình bày của chính mình.
Tiếp theo, khi tham dự seminars, bạn cũng sẽ học được rất nhiều từ những câu hỏi và thảo luận đặt ra bởi những giáo sư giàu kinh nghiệm hơn cho những diễn giả. Kỹ năng đặt câu hỏi và phản biện các công trình khoa học cũng là một kĩ năng quan trọng của một nhà nghiên cứu; những câu hỏi này là một phần quan trọng trong việc mọi người trong cộng đồng học thuật tạo dựng các mối quan hệ với nhau. Vì thế, đừng ngại đặt câu hỏi cho diễn giả nếu bạn có thắc mắc. Có thể bạn lo sợ mình sẽ đặt những câu hỏi quá “cơ bản” với những nội dung được trình bày, nhưng hầu hết tất cả các nhà nghiên cứu đều rất mong muốn được trả lời những thắc mắc dù là nhỏ nhất để dự án của họ được hiểu và có ảnh hưởng tới nhiều người trong ngành.
Ở nhiều khoa và các chương trình Tiến sĩ, các seminar chính thức thường được đi kèm với những hoạt động khác nhằm giúp Nghiên cứu sinh và faculty có thể network với diễn giả. Những hoạt động này bao gồm ăn trưa hay gặp mặt và nói chuyện trực tiếp (one-to-one); đó là những cơ hội rất tốt cho Nghiên cứu sinh có thể giao lưu với các diễn giả trong một môi trường thân mật hơn và học hỏi từ họ cả về mặt nghiên cứu và sự nghiệp khác.
Cuối cùng, bài viết kết thúc với một vài lời khuyên của một số Nghiên cứu sinh trong việc tham dự seminar. Theo chị Hà Linh, một cựu Nghiên cứu sinh tại đại học Notre Dame, khi tham dự seminars, hãy mang theo một cái note và ghi lại những thông tin cơ bản về bài trình bày, bao gồm những thông tin cơ bản về người trình bày và những ý chính của bài nói. “Mặc dù có thể bạn ít khi đọc lại những note này, việc ghi chú (take-note) bản thân nó làm cho bạn nhớ các thông tin quan trọng hơn.”
Cũng theo ý này, anh Đức Vũ, Nghiên cứu sinh tại đại học Texas chia sẻ, “với những chủ đề mới, mình hay ghi chú lại phần literature review, đặc biệt là những bài báo nổi tiếng trong chủ đề này và những bài báo mới nhất, để nếu khi quan tâm, mình vừa biết được những kiến thức nền tảng và mới nhất trong chủ đề này.” Đồng thời, cũng theo anh Đức, hãy cố gắng tìm điểm chung giữa những gì bạn biết hoặc bạn đang làm và những gì được trình bày bởi diễn giả, và “đặt câu hỏi dựa trên những điểm chung ấy cũng là một cách hữu hiêụ để tạo mối quan hệ với diễn giả đó.”