Trước khi ứng tuyển bậc cao học tại nước ngoài, bạn chắc hẳn sẽ muốn tìm hiểu về chương trình học cũng như cuộc sống sinh hoạt để có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhất. Ngoài việc tìm hiểu thông tin qua các trang tin tức có sẵn, tham gia online webinar, virtual tour campus,…, một cách rất hiệu quả khác đó là tiếp cận trực tiếp với giáo sư, hội đồng tuyển sinh và các cựu sinh viên Đại học.

Hẳn bạn đã nghe qua cụm từ “networking”: xây dựng mối quan hệ. Đây là việc rất cần thiết nếu bạn muốn hiểu sâu và thật nhất về chương trình học mà bạn dự định theo đuổi, đồng thời cũng tạo ấn tượng tốt đối với giáo sư của trường. Tuy nhiên, không dễ dàng như việc liên hệ với các tiền bối đã từng học tại trường, nếu đối tượng bạn muốn tiếp cận là các giáo sư, bạn nên hiểu khi nào, vì sao và như thế nào mà mình tiếp cận được họ.

Khi Nào Bạn Nên Liên Hệ?

Trước hết, việc liên hệ trước với Giáo sư có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc. Đối với các chương trình Thạc sĩ, việc liên hệ này hầu như là không bắt buộc mà chỉ được khuyến khích, tuy nhiên cũng có một số chương trình buộc bạn phải liên hệ với giáo sư trước, chia sẻ về các nghiên cứu mà bạn đã hoặc đang làm, được Giáo sư duyệt đơn ứng tuyển thì mới được đưa tiếp đến hội đồng tuyển sinh. Đối với các chương trình PhD thì việc này hầu như là bắt buộc do các Giáo sư có vai trò quan trọng hơn trong việc xét duyệt các sinh viên ứng tuyển.

Việc liên hệ trước với giáo sư đem lại cho bạn nhiều lợi ích, tuy nhiên, nếu đây không phải là yêu cầu bắt buộc thì bạn chỉ nên liên hệ khi đã tìm hiểu, đọc trước các nghiên cứu của giáo sư đó trong một khoảng thời gian nhất định và thực sự mong muốn được nghiên cứu các đề tài liên quan dưới sự hướng dẫn của giáo sư đó. Nếu không, việc liên hệ trước này sẽ phản tác dụng khi bạn đưa ra các thông tin không đúng, hoặc không đủ sâu về giáo sư và các nghiên cứu của họ.

Vì Sao Nên Liên Hệ?

Thứ nhất, bạn sẽ nắm được kế hoạch tuyển sinh của khoa một cách cập nhật và chính xác nhất. Bạn sẽ không muốn mất thời gian vào việc ứng tuyển vào khoa, trong đó một trong những giáo sư ưa thích của mình không có ý định tuyển thêm sinh viên, hoặc chuẩn bị chuyển sang trường khác dạy, hoặc họ sẽ chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp,… Các thông tin này có thể tìm thấy trên website của khoa nhưng thường các website đều không được cập nhật.

Thứ hai, điều này giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong hàng trăm đơn ứng tuyển khác. Các nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng đánh giá cao sự chủ động của bạn và đây cũng là cơ hội để bạn bày tỏ sự hứng thú cũng như thái độ của mình đối với các giáo sư mình dự định theo học. Tuy nhiên, đây không hẳn là yếu tố quyết định giúp bạn được chấp nhận, đặc biệt khi việc liên hệ này là không bắt buộc. Jay Waker, một trong những giáo sư tại trường Đại học Stanford chia sẻ rằng, thực tế có khá ít sinh viên có thể khiến ông thực sự ấn tượng thông qua các email trao đổi. Và nếu sinh viên không có background, cách nói chuyện nổi bật thì Giáo sư cũng sẽ không dành ra ít nhất 30 phút quý giá của mình để trao đổi từng chút một qua email mà kết quả nhận lại cũng không mấy giá trị.

Thứ ba, đôi khi bạn còn nhận được những thông tin bổ sung, tips, lời khuyên, gợi ý từ các Giáo sư. Ví dụ như: Giáo sư tuy sẽ không nhận thêm sinh viên, nhưng khoa mới tuyển thêm thành viên mới cũng có hướng nghiên cứu tương tự, hoặc nếu bạn đang nộp hồ sơ cho 2 ngành thì Giáo sư cũng có thể cho bạn lời khuyên nên apply chương trình nào để phù hợp với background của bạn, tỷ lệ đỗ cao hơn, kiến thức tích lũy đa dạng và phù hợp hơn.

Trong khi đó, việc tiếp cận với alumni lại dễ dàng và linh hoạt hơn. “Kết bạn” với các cựu sinh viên không chỉ cho bạn cái nhìn chân thực về tính sẵn có và chất lượng của môi trường học thuật mà còn về các hoạt động ngoại khóa của trường. Dù không có kiến thức chuyên sâu, nhưng cựu sinh viên sẽ giúp bạn hiểu được giá trị của bằng cấp từ trường trong thị trường việc làm, họ cũng là những người trung gian giúp kết nối bạn với cựu sinh viên trong ngành mà bạn muốn theo đuổi.

Tiếp Cận Bằng Cách Nào?

Về phương tiện tiếp cận, cho dù tiếp cận thông qua điện thoại, hoặc face to face được đánh giá cao hơn cả, viết email lại là một cách chuyên nghiệp, cũng là cách bạn phù hợp nhất để khởi đầu cuộc trao đổi, đó cũng là cách duy nhất nếu bạn hiện không sống tại đất nước mình dự định du học.

Về nội dung tiếp cận, bạn cần đảm bảo nội dung email ngắn gọn (nhiều nhất nên chỉ 1 trang A4) nhưng phải nêu được ra các thông tin quan trọng. Subject email có thể đi thẳng vào vấn đề, ví dụ:“ Inquiry from potential graduate applicant”. Thân email nên gồm:

  • Giới thiệu bản thân, nói về sở thích nghiên cứu/ học tập của bạn
  • Lí do tại sao bạn hứng thú và muốn làm việc cùng thành viên của khoa đó
  • Nói về kinh nghiệm học tập, nghiên cứu trong quá khứ, nói về cả kế hoạch tương lai và vì sao việc được theo học dưới sự hướng dẫn của giáo sư sẽ giúp ích cho kế hoạch tương lai đó.
  • Có thể đặt thêm câu hỏi cho khoa, bạn nên tìm hiểu kĩ trước khi đặt câu hỏi vì các Giáo sư sẽ mong chờ những câu hỏi ý nghĩa sâu sắc và “đáng trả lời” hơn
  • Attach thêm CV, copy thêm các thành viên hội đồng tuyển sinh vào email.

Kì Vọng Thế Nào Vào Việc Nhận Thư Phản Hồi Từ Giáo Sư?

Nếu việc liên hệ trước này không được yêu cầu từ ban tuyển sinh thì việc Giáo sư không trả lời email là điều không có gì ngạc nhiên. Mức độ muốn tiếp cận với sinh viên của từng Giáo sư cũng khác nhau, người sẽ rất muốn tương tác với sinh viên tương lai của họ, người lại không.

Nhưng nếu việc liên hệ trước này là bắt buộc hoặc được khuyến khích bởi ban tuyển sinh, khi bạn không nhận được phản hồi nào từ Giáo sư sau nhiều lần email, bạn nên liên hệ trực tiếp với phòng tuyển sinh để nhờ giúp đỡ. Bạn cũng có thể contact với các sinh viên học khoa này để có thêm đánh giá về cách tương tác của khoa. Nếu ngay cả chính sinh viên đang theo học, hoặc alumni của trường cũng ít có khả năng tiếp cận Giáo sư, bạn nên cân nhắc thêm về quyết định lựa chọn khoa của mình.

Hãy đừng ngại việc tiếp cận với các Giáo sư của khoa hay những cựu sinh viên Đại học. Bởi điều tồi tệ nhất bạn nhận được là việc Giáo sư không đọc, không trả lời mail, nhưng điều có giá trị hơn cả, những tiếp cận ban đầu này có thể giúp bạn có những cuộc trao đổi sâu hơn nữa, giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích, cũng như tăng cơ hội ứng tuyển thành công vào chương trình bạn thực sự mong muốn.

Nguồn Tham Khảo:

  1. Tại sao và làm thế nào để gửi email cho giáo sư trước khi nộp đơn vào trường cao học (https://lucklab.ucdavis.edu/blog/2018/9/17/emailing-faculty)
  2. Làm thế nào để liên hệ với các giáo sư với tư cách là một ứng viên cao học (https://www.usnews.com/education/blogs/graduate-school-road-map/2012/09/28/how-to-contact-professors-as-a-grad-school-applicant)
0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader