Cũng không khác việc thầy cô, bố mẹ và chính bạn định hướng lựa chọn khối học cấp 3, hay ngành học Đại học, việc xác định học Thạc sĩ ngành gì thậm chí còn quan trọng hơn rất nhiều. Học Thạc sĩ hầu như không phải học chỉ cần bằng cấp, mà quan trọng là ở bạn học được gì, học như thế nào và giúp ích được gì cho tương lai của bạn. Lựa chọn học Thạc sĩ không chỉ là vấn đề về chi phí mà còn ở thời gian, năng lực nghiên cứu, cũng như năng lực tìm hiểu chuyên sâu của bạn.
Vậy làm sao để chọn được chương trình phù hợp với nhu cầu, sở thích và năng lực của bản thân? Nhiều người nghĩ rằng chọn trường dễ vì ít nhất có ranking, các chỉ số dễ so sánh như chi phí, tỉ lệ nhận, tỉ lệ có việc sau khi ra trường. Chọn ngành đôi khi mơ hồ và cần thời gian để khám phá; tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thu hẹp các lựa chọn khi biết cân nhắc tới các tiêu chí phù hợp.
Hãy suy nghĩ về sở thích của bạn đầu tiên
Nếu bạn đã biết được sở thích của mình trong giai đoạn học đại học, đó là một lợi thế. Còn nếu chưa xác định được, nhiều người vẫn khuyên rằng bạn nên dành ra một khoảng thời gian, nghỉ ngơi hoặc trải nghiệm những công việc khác nhau, nhằm tìm ra được đam mê và sở thích của mình. Vì sao cần hiểu đam mê trước khi quyết định chọn ngành? Lí do là việc học thạc sĩ không như đại học, kiến thức chuyên môn rất nặng. Bên cạnh đó, khi cân nhắc về việc học Thạc sĩ ở nước ngoài, bạn còn phải học với một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ của mình. Vì thế việc học nhiều khi sẽ rất khó khăn nếu bạn không thích, hay không đam mê với ngành học của mình.
Đam mê về ngành nghề, bạn cũng có thể cân nhắc thêm sở thích của cá nhân về các yếu tố phụ xung quanh như
- Bạn thích học ở nước nào?
- Bạn thích học với ngôn ngữ nào?
- Bạn thích học các ngành nghề liên quan đến định lượng hay định tính?
Tuy việc lựa chọn ngành học dựa vào sở thích cá nhân dù mang lại cho bạn nhiều động lực, thầy cô cũng sẽ thấy sự nhiệt huyết của bạn mà ứng cử tới các chương trình/ cơ hội thực tập làm việc sau đó, nhưng điều này không đảm bảo cho bạn có được một công việc ổn định hay mức lương mong đợi. Vì thế, ngoài yếu tố sở thích, bạn nên cân nhắc thêm về yếu tố chuyên môn và cơ hội việc làm.
Nghĩ về yếu tố chuyên môn và ngành nghề tương lai bạn muốn làm việc
Giờ thì hãy nghĩ về yếu tố chuyên môn, hình thức tổ chức lớp học và ngành nghề bạn muốn thăng tiến trong tương lai (academic goals). Có thể trong đầu bạn có thể nảy ra những câu hỏi buộc bạn phải nghiêm túc suy nghĩ về tính chất, đặc điểm, nội dung chương trình học có thể tác động tới sự nghiệp tương lai của bản thân như thế nào:
- Tôi hứng thú với tham gia chương trình Thạc sĩ giảng dạy toàn thời gian, hay chương trình Thạc sĩ kết hợp yêu cầu thực tập trong lúc học?
- Tôi muốn theo đuổi ngành học rộng để cơ hội việc làm cao, hay ngành hẹp để tăng năng lực cạnh tranh về mặt chuyên môn?
- Tôi dự định mất bao nhiêu năm để hoàn thành chương trình Thạc sĩ? Khả năng tài chính và nghiên cứu của tôi đủ để theo đuổi chương trình Thạc sĩ thông thường không hay ngắn hạn?
Tính chất công việc tương lai
Trước hết, xác định được tính chất công việc tương lai sẽ giúp bạn có những ưu tiên cho một số tiêu chí đánh giá chọn ngành. Nếu muốn hướng đến các công việc mang tính chất nghiên cứu, chuyên môn cao, bạn nên tập trung lựa chọn chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo sư, các bài báo, bài nghiên cứu được xuất bản của khoa, của trường. Nếu bạn muốn theo đuổi các công việc đòi hỏi trải nghiệm, sự năng động, kĩ năng mềm, ưu tiên của bạn có thể sẽ dành cho việc trải nghiệm văn hóa, bạn nên tìm kiếm các khóa học có nhiều các cơ hội để thực tập, tương tác với mọi người, văn hóa địa phương và các cơ hội được thực tập trong quá trình học.
Khả năng và thế mạnh của mình
Sau đó, xác định được khả năng và thế mạnh của mình sẽ giúp bạn dễ dàng chọn lựa loại bằng Thạc sĩ mình sẽ học. Nhìn chung có thể chia bằng thạc sĩ thành 2 loại: bằng Thạc sĩ chuyên môn và bằng Thạc sĩ học thuật. Nếu chương trình học thuật giúp bạn tiếp cận kiến thức một cách toàn diện về mặt khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên, thì chương trình chuyên môn tạo điều kiện cho sinh viên tập trung tìm hiểu về lĩnh vực mà mình quan tâm. Chương trình chuyên môn thông thường tốn nhiều thời gian hơn chương trình học thuật.
- Bằng Thạc sĩ học thuật: MA (Master of Arts): tập trung đào tạo kiến thức khoa học xã hội như truyền thông, giáo dục, ngôn ngữ, văn học, địa lý, lịch sử và âm nhạc; MSc (Master of Science): tập trung đào tạo kiến thức khoa học tự nhiên như sinh học, hóa học, kĩ thuật, thống kê,…
- Bằng Thạc sĩ chuyên môn: Bằng thạc sĩ chuyên môn còn được gọi là bằng thạc sĩ chuyên nghiệp (Professional Master’s Degrees) bởi nó tập trung vào việc đào tạo sinh viên để theo đuổi các ngành nghề trong tương lai, mà phổ biến nhất là MBA – bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh
Nơi bạn dự định phát triển sự nghiệp lâu dài
Cuối cùng, bạn sẽ dự định phát triển sự nghiệp lâu dài ở đâu sẽ giúp bạn sẽ giúp bạn biết mình nên học gì, học như thế nào để đáp ứng tình hình thị trường của quốc gia đó. Bởi tùy vào từng quốc gia mà top các công việc thiếu nhân lực cũng khác nhau. Ví dụ ngành Quản trị chuỗi cung ứng ở Mỹ hay các nước châu Âu được coi là một ngành học cực kì thu hút do công ty nào, từ lớn tới nhỏ đều yêu cầu nhân viên chuỗi cung ứng; trong khi đó, ở Việt Nam, ngành nghề này còn khá mới mẻ, hầu như sẽ được thay thế bởi nghề xuất nhập khẩu hoặc logistics.
Xem xét và đánh giá chương trình học
Cùng một ngành học nhưng ở các trường và các nước khác nhau cũng sẽ có sự khác biệt. Vì thế bạn nên xem kĩ chương trình học (curriculum) của ngành mà bạn thích xem những môn học bạn sẽ học là gì, trong bao lâu, coursework, assignment và internship thế nào. Để tìm hiểu về những chi tiết đó, bạn có thể lên website của trường trao đổi với những người đi trước để hiểu thêm.
Ví dụ nếu dự định học Thạc sĩ ngành Quản lý chuỗi cung ứng, bạn sẽ thấy Đại học MIT có offer 2 ngành: Master of Engineering in SCM (MEng- SCM) và Master of Applied Science in SCM (MASc- SCM), tập trung vào phát triển các kĩ năng phân tích, ứng dụng công nghệ, leadership và communication. Bạn cũng có thể check được thời gian, số tín chỉ yêu cầu, danh sách các môn học bắt buộc và tùy chọn.
Trong khi đó, chương trình Thạc sĩ SCM của ĐH California State University lại tập trung đào tạo các kĩ năng phân tích, vận hành, chiến lược và chiến thuật ra quyết định:
Nếu bạn vẫn đang phân vân cả về trường, bạn có thể so sánh chương trình học ở các trường khác nhau tại trang Masterspostal.
Các yếu tố khác
Ngoài ra việc chọn chương trình học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như khả năng đáp ứng yêu cầu của trường, của ngành, mức độ phù hợp và khả năng chuyển đổi từ background cử nhân của bạn, mức chi phí bạn có khả năng chi trả, các gói hỗ trợ tài chính, học bổng mà chương trình/ trường offer, khả năng có việc làm sau khi có bằng,… Bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết Chọn trường du học.
Như vậy, chọn ngành Thạc sĩ du học, không chỉ đơn thuần là chọn nghề tương lai, mà còn là lựa chọn cho 1 quá trình học tập với nhiều trải nghiệm thú vị, phù hợp với năng lực, quỹ thời gian, chi phí và sở thích của bản thân. Bởi như có nói, học Thạc sĩ là quá trình gian nan và vất vả, tuy thế, bạn sẽ hái được những quả ngọt từ việc rèn luyện tư duy và nâng cao khả năng chuyên môn để trở nên cạnh tranh và khác biệt trong thị trường lao động.
Nguồn tham khảo
- Cách chọn chương trình học nước ngoài
(https://www.petersons.com/blog/how-to-choose-a-study-abroad-program/)
- Mười tiêu chí cần lưu ý khi chọn bằng thạc sĩ ở nước ngoài
- Năm lời khuyên để chọn chương trình du học
- Các loại bằng Thạc sĩ và cách phân biệt