Nghiên Cứu Học Thuật Là Gì?

Nghiên cứu học thuật (academic research) là một trong những hoạt động trọng tâm trong các chương trình đào tạo tiến sĩ ở Mỹ. Từ phía các khoa, viện, và trường đại học, chất lượng nghiên cứu học thuật đóng vai trò tiên quyết trong việc tạo nên danh tiếng trong cộng đồng học thuật và các tổ chức tài trợ. Từ phía nghiên cứu sinh, chất lượng nghiên cứu học thuật là yếu tố quan trọng nhất trong các hồ sơ xin việc sau tiến sĩ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan và một số đặc điểm chính của quá trình nghiên cứu học thuật cũng như sự khác biệt của nghiên cứu học thuật và những nghiên cứu ứng dụng khác.    

Nghiên Cứu Học Thuật và Nghiên Cứu Ứng Dụng  

Trước hết, theo Wikipedia, nghiên cứu (research) là những “hoạt động sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm làm giàu tri thức, bao gồm tri thức về con người, văn hóa và xã hội, và sử dụng vốn tri thức này để tạo ra những ứng dụng mới.” Nói ngắn gọn, dù ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ việc nghiên cứu thị trường cho một sản phẩm mới, nghiên cứu để giải một bài toán thế kỉ, cho tới nghiên cứu thuốc mới để chữa bệnh AIDS, mục đích chung của nghiên cứu là tạo ra những hiểu biết mới và có ích cho các vấn đề được quan tâm. 

Dù có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng nghiên cứu thường được phân loại thành nghiên cứu học thuật (academic research hay scholar research) và nghiên cứu ứng dụng (applied research hay professional research). Tuy có nhiều sự khác biệt, sự khác biệt cơ bản nhất của hai loại này nằm ở loại vấn đề được giải quyết. Nghiên cứu ứng dụng thường tập trung vào các vấn đề mang tính thực tiễn và thường phát sinh từ các nhu cầu công việc khác (ví dụ, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng phục vụ mục đích phát triển sản phẩm mới). Ngược lại, các nghiên cứu học thuật tập trung vào các câu hỏi mang tính khái niệm (conceptual), mang tính chất hàn lâm, và thường bắt nguồn từ chính ý tưởng của người nghiên cứu. Ví dụ, việc một nhà kinh tế học quan tâm tới thất nghiệp thường không bắt nguồn từ một nhu cầu nào từ kinh doanh hay một ứng dụng sát sườn nào; ngược lại, các nghiên cứu của ông/bà ấy sẽ thường bắt nguồn từ những lỗ hổng trong các lí thuyết về thất nghiệp. 

Tuy vậy, dù là nghiên cứu học thuật hay nghiên cứu ứng dụng, quá trình nghiên cứu đều mang một đặc trưng là tính không chắc chắn (uncertainty). Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, không ai có thể biết được thực sự kết quả nghiên cứu cuối cùng là gì, và đặc biệt với những dự án nghiên cứu dài, các giai đoạn của một dự án cần được thay đổi để phù hợp với kết quả của các giai đoạn trước.  Có không ít những dự án nghiên cứu phải bỏ cuộc sau khi đã bắt đầu được một khoảng thời gian dài vì nhiều lí do, từ các lí do về tài chính, nhân sự cho tới việc các kết quả không được hứa hẹn như mong muốn.  

Đặc Điểm Của Nghiên Cứu Học Thuật

Tính Nguyên Bản

Đầu tiên, nghiên cứu học thuật đề cao tính nguyên bản (original). Một mặt, tính nguyên bản thể hiện ở việc các nghiên cứu học thuật hướng tới những kiến thức mới, không chỉ đơn thuần là tổng hợp các hiểu biết sẵn có theo một cách mới. Mặt khác, các nghiên cứu nguyên bản thể hiện quan điểm hay góc nhìn riêng cũng như luận điểm của những người làm nghiên cứu, bao gồm cách suy nghĩ vấn đề, phương pháp luận, cách tiến hành thực nghiệm và cũng như cách phân tích kết quả thu được. Trong quá trình đó, những nhà nghiên cứu có thể sử dụng những nghiên cứu khác để bảo vệ cho các quan điểm của mình; tuy vậy, việc làm rõ một quan điểm hay góc nhìn của ai là một điều thiết yếu trong các bài nghiên cứu học thuật. Vì thế, việc không trích dẫn nguồn đầy đủ, đạo văn, hay bất cứ hình thức dối trá nào đều không thể chấp nhận được, do chúng làm mất đi tính nguyên bản của hoạt động nghiên cứu. 

Đánh Giá Ngang Hàng 

Tiếp theo, kết quả của các nghiên cứu học thuật chỉ có ý nghĩa khi được đánh giá ngang hàng (peer-reviewed), tức là được đánh giá bởi một người có cùng chuyên môn và năng lực trong chủ đề nghiên cứu. Ví dụ, một nghiên cứu học thuật về Tâm lí học xã hội (social psychology) sẽ cần được và chỉ được đánh giá bởi những người cùng làm nghiên cứu về Tâm lí học xã hội; một nghiên cứu học thuật về một phương pháp Học máy mới cũng sẽ được đánh giá bởi những người nghiên cứu về Học máy. Hệ thống đánh giá ngang hàng này được áp dụng hầu hết ở các phương tiện chính để công bố các kết quả của các nghiên cứu học thuật, đó là các tạp chí học thuật (academic journals) cũng như các hội thảo lớn ở một số ngành như khoa học máy tính (computer science). Để đảm bảo tính khách quan và công bằng, ở mức độ tối thiểu, tác giả của các nghiên cứu không được biết người đánh giá (single-blinded), và ở nhiều nơi, người đánh giá cũng không biết tác giả của các nghiên cứu là ai (double-blinded). Do vậy, sự đánh giá ngang hàng này khẳng định giá trị của các nghiên cứu học thuật được công bố và tạo nên danh tiếng của các nhà nghiên cứu trong cộng đồng khoa học. 

Phương Pháp Khoa Học

Trong đại đa số các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các nghiên cứu học thuật sử dụng các phương pháp khoa học (scientific methods) được công nhận rộng rãi. Đặc trưng của phương pháp khoa học là việc các nhà nghiên cứu thường đặt ra các giả thuyết (hypothesis), sau đó kiểm định các giả thuyết bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu (thực nghiệm) để đưa ra kết luận cuối cùng. Tính chất quan trọng nhất của các giả thuyết khoa học là tính có thể sai (falsifiability), nghĩa là nhà khoa học có thể tìm được dữ liệu hay bằng chứng để đối ngược với những dự đoán từ giả thuyết được đặt ra. Ví dụ, “tất cả các kim loại đều là chất rắn ở nhiệt độ thường” là một giả thuyết khoa học, vì giả thuyết này có thể được phản bác nếu một nhà khoa học có thể tìm thấy một kim loại ở dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Ngược lại, “Chúa tạo ra muôn loài” không phải là một giả thuyết khoa học, vì mệnh đề này không thể được phản bác nhờ bất cứ một dữ liệu hay bằng chứng thực nghiệm nào. Ở các ngành nhân văn (humanities) như triết học, văn học, các giả thuyết thường được trình bày dưới dạng những góc nhìn, những cách hiểu mới, các “dữ liệu” là các bằng chứng từ những tác phẩm,  

Tiêu Chuẩn Đạo Đức

Cuối cùng, hoạt động nghiên cứu học thuật đều được tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức (ethics) nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn này không chỉ bao gồm tính trung thực của những nhà nghiên cứu (ví dụ, không làm giả dữ liệu, không đạo văn, etc.), mà còn bao gồm những vấn đề liên quan tới hậu quả mà các nghiên cứu có thể mang lại cho những đối tượng tham gia. Những vấn đề này bắt đầu nảy sinh từ trong chiến tranh thế giới thứ hai, khi Đức quốc xã tiến hành nhiều thí nghiệm trực tiếp trên con người trong các trại tập trung; những thí nghiệm này dẫn tới cái chết hoặc những tổn thương vĩnh viễn cho những người tham gia. Ngày nay, hầu hết các nghiên cứu đòi hỏi việc thu thập dữ liệu từ con người và động vật đều phải trải qua một quá trình thẩm định kĩ lưỡng của các hội đồng đạo đức độc lập (independent ethics committee (IEC) hay institutional review board (IRB)) trước khi nghiên cứu được tiến hành. Tuy các quy định này có thể hạn chế những kết quả thu được từ quá trình nghiên cứu, những quy định này là cần thiết để đảm bảo các hoạt động nghiên cứu không gây tổn hại lớn cho bất cứ đối tượng tham gia nào.

Nguồn Tài Chính

Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh hay Úc, nguồn tài chính (research funding hay research grant) cung cấp cho các nghiên cứu học thuật tương đối dồi dào, từ các hội đồng nghiên cứu (research council) của nhà nước, các trường đại học (universities) cho tới các tập đoàn và các tổ chức phi lợi nhuận. Ví dụ, năm 2016, nước Mỹ dành 511 tỉ USD (khoảng 2.74% GDP) cho hoạt động nghiên cứu. Tuy vậy, quá trình xin các nguồn tài chính này đều có mức độ cạnh tranh cao (ví dụ, trong năm 2019, Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (National Institute of Health) chỉ trao tiền cho 21% số dự án nghiên cứu xin tài chính). Khi được trao một nguồn tài chính, những nhà nghiên cứu chính của một dự án (principal investigator) cũng cần sử dụng nguồn tiền này theo đúng kế hoạch ban đầu được đưa ra, từ việc mua các thiết bị, trả lương cho nhân sự, cho tới chi phí đi lại tới các buổi hội thảo để trình bày kết quả nghiên cứu. 

Tóm lại, nghiên cứu học thuật là một quá trình đầy thử thách với những yêu cầu cao về mặt tiêu chuẩn hàn lâm cũng như về mặt đạo đức của người nghiên cứu. Bài viết tiếp theo của chủ đề này sẽ đề cập việc các chương trình đào tạo tiến sĩ ở Mỹ chuẩn bị một sự nghiệp nghiên cứu học thuật cho nghiên cứu sinh như thế nào, cũng như cách vượt qua các khó khăn mà các nghiên cứu sinh thường gặp trong lần đầu tiên tiến hành các nghiên cứu học thuật. 

Nguồn tham khảo:

  1. Wikipedia – Research: https://en.wikipedia.org/wiki/Research
  2. Funding of Science: https://en.wikipedia.org/wiki/Funding_of_science
  3. NIH Annual Snapshot – FY 2018 By the Numbers: https://nexus.od.nih.gov/all/2019/03/13/nih-annual-snapshot-fy-2018-by-the-numbers/
  4. Sự khác nhau giữa nghiên cứu học thuật và nghiên cứu ứng dụng: 
https://www.phdassistance.com/blog/what-is-the-difference-between-academic-research-and-professional-research/
  1. Phương pháp khoa học:
https://www.khanacademy.org/science/high-school-biology/hs-biology-foundations/hs-biology-and-the-scientific-method/v/the-scientific-method
0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader