Trong hệ thống giáo dục Mỹ, cử nhân có thể tiếp tục theo học chương trình đào tạo Tiến sĩ mà không trải qua chương trình Thạc sĩ riêng biệt. Vì các chương trình Cử nhân và Tiến sĩ hướng đến mục đích khác nhau nên quy trình xét duyệt hồ sơ sẽ có những khác biệt đáng kể. Nếu không biết được những điểm khác biệt này, ứng viên sẽ không thể phát bộc lộ được hết khả năng của mình trong bộ hồ sơ. Bài viết sẽ đi sâu vào những khác biệt về quá trình nộp hồ sơ (và phỏng vấn) của bậc học Cử nhân và Tiến sĩ.

Cử nhânTiến sĩ
Ban tuyển sinhBan tuyển sinh chung cho các ứng viên. Ban tuyển sinh thuộc văn phòng sinh viên của trường.Ban tuyển sinh bao gồm Văn phòng Quản lí Sau đại học và ban tuyển sinh tại khoa. Trong đó ban tuyển sinh tại khoa có tiếng nói quyết định.
DeadlineCó nhiều deadline khác nhau (ED, EA, RD) áp dụng chung cho cả trường.Deadline phụ thuộc vào từng khoa.
Quy trình xét tuyểnSơ loại hồ sơ rồi xét duyệt tập trung.Sơ loại hồ sơ rồi phân loại theo định hướng nghiên cứu để những giáo sư phù hợp đưa ra quyết định cuối cùng.
Quyết địnhCác hồ sơ nộp cùng một đợt sẽ có thời gian trả kết quả gần nhau.Các hồ sơ được đánh giá cao hơn sẽ được liên hệ trước.
Phỏng vấnThường do cựu học sinh của trường hoặc ban tuyển sinh phỏng vấn để đánh giá sự phù hợp giữa ứng viên và trường.Thường do giáo sư trong khoa trực tiếp phỏng vấn để tìm ứng viên phù hợp cho bản thân mình.

Sơ lược về mục đích của từng bậc học 

Vì việc tuyển sinh nhằm cung cấp những ứng viên phù hợp nhất cho chương trình đào tạo, chúng ta nên tìm hiểu sự khác biệt về mục đích đào tạo của mỗi bậc học để biết được sự khác nhau trong quy trình tuyển sinh của hai bậc học. Các chương trình đại học ở Mỹ hướng đến mục tiêu đào tạo con người một cách toàn diện. Các trường đại học định hướng sinh viên của mình lựa chọn một hoặc nhiều ngành phù hợp và cung cấp những kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó. Ngoài ra các trường cũng tập trung giúp học sinh có kĩ năng mềm như khả năng tư duy phản biện, khả năng giao tiếp hiệu quả, và áp dụng những kĩ năng này vào cuộc sống.

Hai trong số rất nhiều mục tiêu tốt nghiệp mà đại học Cornell đề ra cho sinh viên của mình. Nguồn

Khác với bậc đại học, các chương trình Tiến sĩ thường nhằm mục tiêu đào tạo ra những ứng viên đủ khả năng chuyên môn về một ngành nhất định. Xuyên suốt quá trình học Tiến sĩ, nghiên cứu sinh sẽ học thêm những lớp chuyên sâu, và cùng giáo viên hướng dẫn thực hiện nghiên cứu và xuất bản những nghiên cứu đó. 

Do sự khác biệt trong mục tiêu đào tạo, thành phần ban tuyển sinh cũng như quá trình xét duyệt hồ sơ ở mỗi bậc học cũng sẽ rất khác biệt.

Thành phần ban tuyển sinh

Bậc Cử Nhân

Ở bậc Cử nhân, mỗi trường có một văn phòng tuyển sinh (Admission Office) để duyệt hồ sơ. Đây là một bộ phận độc lập và chuyên nghiệp riêng của từng trường với công việc chính là tìm và mời những ứng viên phù hợp nộp hồ sơ, quảng bá trường ở các hội nghị, triển lãm đại học, đọc và xét duyệt hồ sơ.

Bậc Tiến Sĩ

Ở bậc Tiến sĩ, không có một ban tuyển sinh chung trong cả trường. Mỗi trường thường sẽ có Văn phòng Quản lí Sau đại học (the Graduate School). Đây là nơi đưa ra một số những tiêu chí chung, ví dụ như điểm sàn GRE, TOEFL, và GPA cho tất cả các khoa. Tuy nhiên, mỗi khoa sẽ có 1 ban tuyển sinh riêng của mình. Ban tuyển sinh ở mỗi khoa được lập từ những giáo sư đang giảng dạy trong trường. Mỗi năm, sẽ có một vài giáo sư ở khoa tham dự vào ban tuyển sinh. Vì thế, khác với ban tuyển sinh Đại học, ban tuyển sinh ở bậc Tiến sĩ thay đổi theo từng năm. Ngoài ra, ban tuyển sinh của khoa cũng là nơi có tiếng nói quyết định đến việc nhận ứng viên.

Quá trình xét duyệt hồ sơ

Ở mỗi bậc học, sau khi nhận được hồ sơ từ các ứng viên, ban tuyển sinh sẽ xét duyệt hồ sơ theo các vòng. Ở cả hai bậc học, vòng đầu tiên thường để loại ra những ứng viên không phù hợp dựa vào những yếu tố để đánh giá như điểm số, điểm chuẩn hóa, và các vòng sau nhằm chọn ra những thí sinh phù hợp nhất. Điểm khác biệt lớn nhất giữa quá trình xét duyệt hồ sơ ở bậc đại học và bậc tiến sĩ nằm ở việc ứng viên sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển cho một khoa trong trường, và ở vòng xét duyệt hồ sơ thứ 2, quyết định cuối cùng có thể do khoa hoặc do 1 giáo sư trong khoa đưa ra. 

Bậc Đại Học

Ở bậc đại học, sau khi hồ sơ được gửi đến cho ban tuyển sinh, hồ sơ sẽ được đọc theo các “vòng.” Vòng 1 sẽ thường loại ra những hồ sơ yếu nhất, vòng 2 và các vòng sau đó nhằm  phân loại hồ sơ thành các nhóm khác nhau, ví dụ nhận, danh sách chờ, hay phân nhóm theo các mức hỗ trợ tài chính. 

Vòng Đầu Tiên

Ở vòng đầu tiên, hồ sơ sẽ được phân ra theo một số yếu tố khác nhau, ví dụ, Đại học Harvard chia hồ sơ ra theo vị trí địa lý. Sau đó, hồ sơ sẽ được đánh giá theo từng yếu tố, ví dụ như học thuật, hoạt động ngoại khóa, thể thao, v.v… Cũng tại Harvard, toàn bộ hồ sơ ở một khu vực địa lý sẽ được đọc bởi một giám khảo đầu tiên (“first reader”). Hồ sơ của từng ứng viên sẽ được chia nhỏ thành từng yếu tố nêu trên và mỗi yếu tố sẽ được đánh giá theo thang điểm 1. Sau đó, giám khảo thứ 2 sẽ kiểm tra lại và lưu lại hồ sơ cũng như điểm số vào cơ sở dữ liệu của trường.

Vòng Hai

Ở vòng tiếp theo, những ứng viên xuất sắc nhất sẽ được hội đồng tuyển sinh xét duyệt qua hình thức “bỏ phiếu”. Hồ sơ của những ứng viên có điểm số cao trong vòng đầu sẽ được chuyển qua vòng này. Tại đây, một nhóm nhỏ, bao gồm cả nhân viên phòng tuyển sinh, và giáo sư từ các khoa khác nhau tại trường sẽ họp và nhận định những ứng viên phù hợp với trường. Để được nhận vào trường, hồ sơ của ứng viên phải nhận được sự đồng thuận từ quá bán hội đồng. 

Ví dụ với quy trình xét duyệt tại Harvard, một hồ sơ sẽ phải được 2 hội đồng thông qua liên tiếp để trở thành sinh viên đại học danh giá này. Hội đồng đầu tiên với khoảng 8 người sẽ duyệt hồ sơ thuộc một số vùng địa lý. Các hội đồng nhỏ này sẽ đưa hồ sơ được duyệt của mình cho một hội đồng to hơn, gồm 40 người, là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về việc nhận hay loại một hồ sơ. [Nguồn]

Bậc Tiến Sĩ

Ở bậc Tiến sĩ, việc xét duyệt hồ sơ thường diễn ra ở các khoa. Tuy cũng xét duyệt hồ sơ theo các vòng, từng vòng xét duyệt ở bậc Tiến sĩ lại có những nét khác biệt. 

Vòng Đầu Tiên

Ở vòng đầu tiên, ban tuyển sinh của từng khoa sẽ loại các hồ sơ không đủ tiêu chuẩn do điểm chuẩn không vượt qua mức sàn, chưa có kinh nghiệm nghiên cứu, v.v. Ban tuyển sinh cũng cố gắng xếp hạng các hồ sơ, và phân lọc hồ sơ theo các nhóm ngành nhỏ (area of interest) cho vòng đọc tiếp theo.

Vòng Hai

Vòng đọc hồ sơ tiếp theo khác nhau phụ thuộc vào ngành và trường ứng viên nộp. Ở các chuyên ngành mà sinh viên/nghiên cứu sinh không quá phụ thuộc vào một giáo sư, ban tuyển sinh sẽ dựa theo xếp hạng hồ sơ để quyết định nhận hay loại ứng viên.

Với các ngành học mà học sinh/nghiên cứu sinh được một hay một vài giáo sư trực tiếp giám sát, ví dụ như Khoa học máy tính hay Sinh học, hồ sơ sau khi qua vòng 1 sẽ được gửi cho các giáo sư thuộc chuyên ngành đó. Các giáo sư này sẽ đọc và nhận xét các hồ sơ được gửi cho họ, cũng như các hồ sơ bất kì họ thấy tiềm năng. Sau đó, cả khoa sẽ gặp mặt để quyết định nhận hay loại các ứng viên. Mỗi một giáo sư sẽ có một cách chọn ứng viên khác nhau để phù hợp với dự án cũng như tính cách của họ. Cho nên, không có một công thức chung để biết được một bộ hồ sơ sẽ bị loại hay được nhận. Nhìn chung, với các chương trình học mà học sinh làm việc trực tiếp với giáo sư, ứng viên chỉ được nhận nếu có ít nhất một giáo sư trong khoa đồng ý nhận ứng viên đó vào làm.

Vòng Ba

Cuối cùng, danh sách những ứng viên được nhận sẽ được gửi qua cho bộ phận phụ trách cao học (the graduate school) để chắc chắn rằng những ứng viên này phù hợp với các tiêu chí chung của trường. Nhưng các ứng viên nếu vượt qua vòng đọc hồ sơ ở khoa thường sẽ không gặp nhiều khó khăn ở bước cuối cùng này. [Nguồn 1, nguồn 2]

Thời gian thông báo kết quả

Bậc Đại Học

Ở bậc Đại học, do tính chất tập trung của quá trình xét duyệt hồ sơ, các ứng viên nộp hồ sơ cùng đợt sẽ có kết quả gần nhau, ví dụ nếu hạn nộp ED đóng hồ sơ vào đầu tháng 11 thì sẽ trả kết quả vào giữa tháng 12. 

Thông thường, khi các ứng viên đã qua vòng hồ sơ, trường sẽ mời các ứng viên có một buổi trò chuyện với đại diện các trường. Ở bậc đại học, những người thực hiện những buổi phỏng vấn này có thể là những học sinh đang học tại trường, đại diện ban tuyển sinh hoặc một cựu sinh viên tốt nghiệp tại trường. Cuộc phỏng vấn nhằm đánh giá sự phù hợp của ứng viên với trường.

Bậc Tiến Sĩ

Tuy nhiên, ở bậc Tiến sĩ, các ứng viên có hồ sơ được xếp hạng cao hơn sẽ được liên hệ sớm hơn. Nếu các ứng viên này không đồng ý nhập học, các ứng viên có thứ hạng thấp hơn sẽ được liên hệ. Sự khác biệt này đến từ 2 lí do: ở bậc Tiến sĩ, thông thường giáo sư sẽ là người trực tiếp đưa ra quyết định, và một năm một khoa nhận rất ít học sinh vào học (<100), so với con số hàng nghìn sinh viên đại học nhập học mỗi năm.

Khả năng phỏng vấn ứng viên cao hơn ở bậc tiến sĩ hơn bậc đại học. Người thực hiện phỏng vấn thường là những giáo sư đang nghiên cứu và giảng dạy ở trường. Buổi phỏng vấn giúp cho các giáo sư hiểu được hơn về kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu của bạn, cũng như giúp bạn có cơ hội để tìm hiểu thêm những dự án đang được trường đầu tư nghiên cứu. 

Bài viết mong rằng đã cung cấp những cái nhìn khái quát về sự khác biệt trong quy trình xét duyệt hồ sơ cho bậc Đại học và Tiến sĩ ở Mỹ. Trong tương lai, VietAbroader sẽ có những bài viết chuyên sâu vào từng thành phần một của bộ hồ sơ. Các bạn đón xem nhé!ển

Nguồn

  1. Quá trình xét duyệt hồ sơ của ĐH Havard: https://www.thecrimson.com/article/2018/10/29/how-to-get-in-to-harvard/
  2. Tổng quát quá trình xét duyệt hồ sơ của các chương trình cao học: https://www.quora.com/What-does-the-admissions-committee-process-for-graduate-school-look-like-Do-you-sit-in-a-room-and-all-discuss-the-same-candidate-at-the-same-time-or-is-it-more-of-an-individual-process-with-opinions-aggregated-at-the-end
  3. Tổng quát quá trình xét duyệt ứng viên: https://mygraduateschool.com/Understandinghowtheapplicant.html
0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader