Việc học tập trên lớp là một phần thiết yếu của quá trình học tập chính quy. Điểm số của mỗi lớp học thường được coi như một thước đo về mức độ hiểu nội dung lớp học của sinh viên cũng như khả năng học tập nói chung của học sinh. Bài viết này sẽ tìm hiểu những điểm khác nhau trong vai trò của lớp học cũng như điểm số ở hai bậc đại học và cao học, để từ đó giúp các bạn sinh viên đang có ý định theo học cao học ở Mỹ có thêm 1 góc nhìn về các chương trình đào tạo này.

Quá Trình Đăng Kí Lớp 

Đại Học

Ở bậc đại học, sinh viên sẽ chọn một chuyên ngành chính (major) để tập trung theo học. Sinh viên không cần thiết phải xác định chuyên ngành chính từ năm học đầu tiên và có thể đổi chuyên ngành của mình trong suốt thời gian theo học. Để hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ cần phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu từ khoa và từ trường. Một trong những yêu cầu đó là việc hoàn thành các lớp bắt buộc (required courses) và lớp tự chọn (elective courses), của cả ngành và của trường.

  1. Lớp bắt buộc của ngành là các lớp sinh viên bắt buộc phải hoàn thành nhằm đảm bảo các kiến thức cơ bản nhất về ngành. Các lớp này thường do khoa (department) của ngành đó đặt ra.
  2. Lớp tự chọn của ngành là các lớp sinh viên sẽ chọn từ các lớp trong ngành nhằm giúp sinh viên khám phá điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như biết thêm về độ rộng của  ngành đang học. Các lớp này hoàn toàn do học sinh được lựa chọn dưới sự đồng ý của giáo viên hướng dẫn (advisor).
  3. Lớp bắt buộc của trường là những lớp ở những bộ môn khác mà tất cả các học sinh trong trường đều phải học nhằm đảm bảo yêu cầu về các kiến thức, kĩ năng cơ bản (như nói trước công chúng (public speaking) viết (writing 101) và báo cáo khoa học hay về những giá trị nổi bật của trường).
  4. Lớp tự chọn của trường: Các lớp tự chọn do trường yêu cầu thường giúp học sinh phát triển hiểu biết ngoài lĩnh vực chuyên môn hoặc về nghệ thuật, đời sống. 

Ví dụ về một số yêu cầu cho các sinh viên khoa toán đại học Duke. Học sinh phải học lớp MATH401 (hoặc MATH501) và MATH431 (hoặc MATH531) vì đây là 2 lớp bắt buộc. Các lớp lựa chọn của ngành được liệt kê ngay sau. [Nguồn]

Các chương trình cao học thường không đặt yêu cầu chặt chẽ về việc lấy lớp cho sinh viên. Sinh viên sẽ đăng kí ít lớp yêu cầu hơn và sẽ được tự do chọn lựa chọn lớp học theo định hướng bản thân. Các bạn sinh viên thường tham khảo với giáo viên hướng dẫn (advisor) để chọn lựa các lớp phù hợp và chọn con đường học tập thành công và có hiệu quả nhất. 

Một điểm khác biệt đầu tiên giữa việc đăng kí lớp ở hai bậc học là số lượng lớp ở bậc cao học thường ít hơn hẳn so với bậc đại học. Thông thường một sinh viên đại học sẽ lấy 4-5 lớp (hoặc 12-15 tín chỉ) trong một học kì, trong khi sinh viên bậc cao học sẽ chỉ lấy 2-4 lớp (6 đ 12 tín chỉ) trong một học kì. Các lớp ở bậc cao học thường có hàm lượng kiến thức dày hơn, cũng như có chiều sâu hơn và tốc độ lớp học ở bậc cao học thường nhanh hơn, yêu cầu học sinh phải tự học nhiều hơn (thông qua số lượng và độ khó của bài tập về nhà, yêu cầu của bài tập lớn v.v..).

Ví dụ về lớp học cho các bậc học sau đại học ngành Khoa học Máy tính tại đại học bang Oregon. Học sinh phải lấy 48 tín chỉ (12 lớp) trước khi lên làm nghiên cứu sinh [Nguồn].

Điểm số

Không chỉ có những khác biệt trong yêu cầu về lớp học, chuyện điểm số cũng khác biệt giữa hai bậc học tại Mỹ. Các chương trình giáo dục chính quy ở Mỹ hầu hết sẽ theo thang điểm 4.0 và bằng chữ (A, B, C, ..). Ở bậc đại học, điểm số được coi là một trong những mốc quan trọng để đánh giá thành tích học tập của mỗi học sinh. Trong lễ tốt nghiệp đại học, tên của các sinh viên cũng được xếp hạng theo GPA mà học sinh đó đã đạt được trong suốt cả quá trình học tập, ví dụ Summa Cum Laude nếu sinh viên được GPA 3.8-4.0, Magna Cum Laude cho những sinh viên từ 3.6-3.8, và Cum Laude cho những sinh viên từ 3.4 trở lên. Điều này cho thấy tuy điểm số ở bậc đại học không phải là một thước đo tuyệt đối, nhưng nó vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá lực học của sinh viên.

Tuy nhiên, điều này không còn đúng ở bậc cao học và tiến sĩ. Có rất nhiều bài viết của các giáo sư đến cá nhà tuyển dụng hậu đại học về vấn đề này. Matt Might, hiện đang làm Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Alabama cho rằng công thức để có một GPA tối ưu là chỉ cần trên mức GPA tối thiểu. Điều này được lí giải rằng, ở các bậc học cao hơn, kiến thức trên lớp là không đủ, cho nên năng lực của các sinh viên thường được đánh giá qua bài tập lớn, dự án ngoài lề, hay đối với các nghiên cứu sinh là các dự án nghiên cứu và những bài báo được xuất bản. Đôi khi điểm số trên lớp quá cao lại không phải ưu thế, do sinh viên được khuyến khích dành thời gian cho việc nghiên cứu hơn là lấy điểm “thành tích.”

Những sự khác biệt trong tầm quan trọng của điểm số dẫn tới sự khác biệt trong cách chấm điểm trong lớp học. Ở bậc đại học, điểm số được cho khá chặt chẽ. Điểm được phân bố từ A – F và thường chỉ có 1 số ít học sinh đạt được điểm A. Ở một số trường đại học lớn, để tăng tính cạnh tranh, một số lớp có chính sách phân bố điểm (1 lớp chỉ có tối đa 10% học sinh được A, 10% học sinh được A-, v.v..). 

Ở bậc cao học, do điểm số có tầm quan trọng thấp hơn, nên điểm số thường cũng “dễ” hơn bậc đại học, với A là học sinh vượt qua kì vọng của giáo viên đứng lớp, điểm từ B- đến A- có nghĩa học sinh đạt được đúng kì vọng của lớp học. Học sinh với mức điểm dưới B thường chưa đạt được yêu cầu của môn học. Các chương trình cao học thường yêu cầu sinh viên phải duy trì điểm trung bình trên 3.0 ở mỗi học kì. 

Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho các bạn một góc nhìn về mặt điểm số và lớp học ở hai bậc học đại học và cao học. Nhìn chung, ở bậc cao học, học sinh cần chủ động hơn trong việc tự tìm hiểu kiến thức ngoài lớp học nên được yêu cầu học số lượng lớp ít hơn và điểm số cũng ít quan trọng hơn so với điểm số ở bậc đại học. 

Nguồn Tham Khảo:

  1. 10 cách dễ dàng để trượt bằng Tiến sĩ (http://matt.might.net/articles/ways-to-fail-a-phd/)
0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader