Hầu hết quá trình PhD kéo dài từ 4-6 năm, nên việc chọn được ngôi trường phù hợp là hết sức quan trọng. Để bạn có thể phát huy được hết khả năng học tập của mình, ngôi trường bạn chọn vừa phải giúp bạn học thêm được nhiều kiến thức học thuật hơn cũng như cung cấp môi trường sống thuận lợi nhất. Vì thế, bài viết này sẽ quan tâm đến 2 loại yếu tố chính: yếu tố học thuật và yếu tố ngoài học thuật.

Yếu tố học thuật

Yếu tố học thuật là những yếu tố liên quan trực tiếp đến việc đào tạo và giảng dạy của trường như giáo sư hướng dẫn, khoa bạn theo học, trường bạn theo học.

Giáo viên hướng dẫn (major advisor/major professor)

Nếu bạn bắt đầu chương trình tiến sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, thông thường lộ trình sẽ bao gồm 1- 2 năm đầu tiên lấy lớp và thi Qualifying exam, sau đó sẽ là 3-4 năm nghiên cứu để viết luận án tốt nghiệp (nghiên cứu sinh). Định hướng nghiên cứu, những mối quan hệ trong và ngoài trường, đặc biệt là trong những năm “nghiên cứu sinh”, sẽ phụ thuộc rất nhiều và giáo sư trực tiếp giám sát và làm việc với mình. Vì thế, giáo sư hướng dẫn được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình học tiến sĩ.

Để tìm được giáo sư phù hợp, việc đầu tiên là xác định được sở thích nghiên cứu (research interest) của bản thân mình, để có thể chọn được giáo sư nghiên cứu những chủ đề nghiên cứu (research topics) phù hợp với sở thích nghiên cứu của mình. Giáo sư đang nghiên cứu cùng lĩnh vực sẽ dễ dàng giúp đỡ hơn do đã có những hiểu biết về lĩnh vực đó, cũng như khả năng cao giáo sư đang có quỹ (funding) cho dự án liên quan đến chủ đề đó. Trang web của các giáo sư thường sẽ có những thông tin về những dự án họ đang làm, có đang tuyển nhiều học sinh không. Ngoài ra, Google Scholar hay những hội nghị hay tạp chí khoa học lớn cũng là những nguồn thông tin quan trọng để biết được thêm về hoạt động nghiên cứu của các giáo sư.

Một yếu tố khác giúp bạn có thể biết thêm về các giáo sư là danh sách những nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp từ giáo sư đấy. Bạn có thể tìm hiểu học trò của giáo sư đấy sẽ đi theo con đường học thuật hay đi làm cho các công ty, tập đoàn, hay viện nghiên cứu của chính phủ, các vị trí sau tiến sĩ của họ ở đâu, về lĩnh vực nào. Đây là những câu hỏi giúp ứng viên có thể biết thêm về những khả năng phát triển sự nghiệp của mình nếu theo giáo sư đó.

Cuối cùng, tính cách và phong cách làm việc của các giáo sư hướng dẫn cũng rất quan trọng. Một mẹo nhỏ để giúp bạn biết được sơ sơ tính cách cũng như phong cách làm việc của các giáo sư là hỏi những nghiên cứu sinh và anh chị học sau tiến sĩ (postdoc) về những gì lab đang làm, phong cách làm việc của giáo sư: giáo sư sẽ ngồi làm cùng hay sẽ để cho học sinh tự nghiên cứu và chỉ trả lời câu hỏi, một tuần giáo sư sẽ dành ra bao nhiêu thời gian mỗi tuần để gặp học sinh của mình. Những thông tin này sẽ giúp bạn chọn được giáo sư phù hợp hơn cho quá trình học tập của mình.

Ngoài ra, ở Mỹ có 3 phân cấp giáo sư: Assistant professor, Associate professor, và Professor. Bài viết này sẽ không đề cập đến việc lựa chọn giáo sư theo phân cấp nhưng các bạn có thể đọc một số ý kiến có liên quan ở đây.

Khoa bạn theo học (Department)

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập của một nghiên cứu sinh là khoa mà bạn theo học. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, ngoài làm việc với giáo sư hướng dẫn của mình, nghiên cứu sinh sẽ  tiếp xúc rất nhiều với các giáo sư và học sinh cùng khoa. Vì thế, việc có nhiều giáo sư có hướng nghiên cứu gần hoặc giống với hướng nghiên cứu của bạn sẽ giúp cho việc học và trao đổi trong khoa dễ hơn. Ngoài ra, trong trường hợp bạn cần đổi giáo sư hướng dẫn thì việc tìm một giáo sư khác ở trong khoa sẽ dễ dàng hơn việc chọn giáo ở trường khác. Cuối cùng, chất lượng ở khoa bạn theo học sẽ giúp cho các bạn được “để ý” hơn khi đi xin việc. 

Ngoài ra, “học thầy không tày học bạn”. Ngoài làm việc trực tiếp với các giáo sư, ứng viên cũng sẽ tiếp xúc rất nhiều các nghiên cứu sinh khác trong khoa. Việc biết được môi trường làm việc của khoa (giúp đỡ hay cạnh tranh) cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tìm được ngôi trường phù hợp cho mình.

Khi chọn khoa mình học, các bạn cần chú ý độ rộng của các ngành nhỏ của ngành mình theo học, chất lượng đầu ra của khoa, và tên các giáo sư đang làm việc ở trong khoa của mình. Ngoài ra, mỗi trường sẽ đầu tư vào một vài khoa “trọng điểm”. Đây là những khoa được trường đầu tư rất nhiều nguồn lực về tài chính và nhân sự. 

Trường bạn theo học

Yếu tố cuối cùng bạn cần quan tâm đến khi chọn trường là danh tiếng của trường. Các trường tốt thường sẽ thu hút được nhiều funding và các  giáo sư giỏi hơn. Tuy nhiên, khác với bậc học đại học, danh tiếng của trường sẽ thường không quan trọng bằng danh tiếng của khoa, và rất nhiều trường không có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng vẫn có những khoa được đầu tư và những giáo tốt.

“Academics love ranking things.” (Tạm dịch: cộng đồng học thuật rất thích xếp hạng), nên không khó để tìm được các bảng xếp hạng trường. US News, Times Higher Education, QS rankings hay Princeton Review là những trang phổ biến nhất. Với USNews, các bạn cần cẩn thận để xem bảng xếp hạng của đúng bậc học và ngành học mình mong muốn. Ngoài ra các ngành học thường có những bảng xếp hạng riêng của mình, ví dụ Khoa học Máy tính có trang web csrankings.org sắp xếp các trường theo các ngành nhỏ.

Tuy nhiên những bảng xếp hạng này chỉ để mang tính tham khảo về mức độ cạnh tranh của các trường. Mục tiêu của quá trình chọn trường là chọn được ngôi trường phù hợp nhất, và trường có thứ hạng cao nhất không luôn là ngôi trường phù hợp nhất.

Những yếu tố ngoài học thuật

Các yếu tố không liên quan đến học thuật thường hay không nhận được sự quan tâm đáng kể trong quá trình chọn trường nhưng để đạt được thành tích học tập cũng như nghiên cứu cao nhất thì những yếu tố về đời sống hàng ngày cũng được cần được đảm bảo. 

Trường theo học

Ngoài các yếu tố về học thuật đã được đưa ra ở trên, một trong những yếu tố nên được quan tâm khi chọn trường là khoản chi phí bạn sẽ phải chi trả. Những khoản chi phí lớn bao gồm bảo hiểm, các chi phí phải chi trả cho trường như tiền bãi đỗ xe nếu bạn quyết định mua xe ô tô, tiền cơ sở vật chất. Tiền này nên được so sánh với mức phụ cấp (stipend) bạn sẽ nhận được. Bạn cần đảm bảo rằng trường sẽ cung cấp đủ phụ cấp của bạn để bạn có thể tập trung vào việc học tập và nghiên cứu. 

Ngoài ra, những yếu tố liên quan đến cuộc sống cũng rất quan trọng. Những yếu tố này bao gồm hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, những trung tâm giúp đỡ học sinh sinh viên như các dịch vụ trông trẻ đối với những người đã lập gia đình. 

Thành phố hay nông thôn (School setting)

Một trong những yếu tố quan trọng ngoài các yếu tố học thuật là thành phố bạn sẽ sinh sống. Ở Mỹ, khu vực xung quanh (setting) của các trường thường được chia thành 2 chính: thành phố, và nông thôn. Thành phố hay nông thôn đều có những đặc điểm riêng và mỗi người cần phải tùy vào tính cách của bản thân để chọn địa điểm phù hợp.

Các thành phố lớn ở Mỹ thường rất đầy đủ các phương tiện công cộng. Không chỉ có vậy, việc ở thành phố cũng sẽ thuận tiện hơn nếu các bạn có ý định đi thực tập ở công ty vì rất nhiều các công ty tập trung ở các đô thị lớn. Ngoài ra các thành phố lớn thường có nhà hàng Việt Nam cũng như các chợ có bán đồ ăn Việt Nam, giúp cho việc sống xa nhà cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, các thành phố lớn cũng thường có nhiều địa điểm giải trí như bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát. Tuy nhiên, nhìn chung các thành phố lớn thường kém an toàn hơn so với các khu vực nông thôn, chi phí cũng đắt đỏ hơn, cũng như có không khí ô nhiễm hơn do khói bụi. 

Các vùng nông thôn ở Mỹ thường sẽ an toàn hơn, rộng rãi cũng như có không khí trong lành hơn. Giá nhà cũng như giá thực phẩm ở các khu vực nông thôn cũng thường thấp hơn. Tuy nhiên, khu vực nông thôn thường thiếu những khu chợ Việt sầm uất hay những lựa chọn phong phú cho nhà hàng Việt Nam. Ngoài ra, nếu các bạn quyết định theo học những trường ở khu vực nông thôn thì các bạn cần lên kế hoạch mua xe ô tô vì phương tiện công cộng ở các khu vực nông thôn thường không quá phổ biến. Việc di chuyển để đi làm thực tập trong hè cũng khá khó khăn do không phải trường nào ở khu vực nông thôn cũng đều gần các công ty lớn, hoặc các công ty có nhu cầu tuyển dụng học sinh quốc tế.  

Thời tiết

Cuối cùng yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập là thời tiết. Nước Mỹ có rất nhiều loại thời tiết khác nhau: phía Đông Bắc thường lạnh hơn, tuyết dày vào mùa đông và nhiệt độ trên 35oC vào mùa hè và có 4 mùa rõ rệt, các bang phía Nam thường nóng, ẩm; khu vực các bang Tây Bắc thường ôn hòa hơn nhưng mưa nhiều, v.v… Các bạn nên liệu vào tình hình sức khỏe để lựa chọn thời tiết không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Trên đây là một vài các yếu tố nên được xem xét khi chọn trường theo học bậc Tiến sĩ ở Mỹ. Bài viết mong rằng làm nổi bật lên thông điệp khi chọn trường, ứng viên nên chọn trường phù hợp nhất với mình, không nên chỉ so sánh các thông số trên bảng xếp hạng. VietAbroader chúc bạn nhiều may mắn trong mùa tuyển sinh sắp tới. Đón xem những bài viết sau của chúng mình nhé!

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader