Colleges that changes lives là chuỗi bài viết VietAbroader cùng các trường đại học uy tín đem đến những trao đổi chân thật về trải nghiệm du học tại trường đến cộng đồng.
VietAbroader Colleges that change lives Series
Linh Doan – Minerva Class of 2021
Em có biết chị có “bảo lưu” 3 năm. Chị có thể kể về hành trình này được không ạ?
Cấp 3 chị học chuyên Lý, sau đó cũng không có ý định đi du học luôn nên không chuẩn bị tiếng Anh. Chị học một kỳ ở Đại học Kinh tế HCM, sau đó quyết định bảo lưu. Chị gap year vì không chắc mình có muốn học kinh tế tại thời điểm đó hay không. Với cả chị thấy môi trường đại học Việt Nam không phù hợp với cách học của mình.
Trong ba năm đó, chị thử và học rất nhiều thứ. Do không ở trong môi trường đại học lâu nên chị rất kỹ tính về môi trường đại học, thấy nó có thể tốn thời gian mà không mang lại giá trị gì. Nhưng chị cũng thấy kiến thức và khả năng rất quan trọng vì có nó mới giúp được nhiều người.
Năm bảo lưu cuối, chị quyết định nộp đơn du học. Minerva là trường cuối chị thêm vào danh sách vì thấy trường không yêu cầu bài luận hehe.
Tại sao chị quyết định chọn Minerva?
Đúng là mới đầu app cho vui thôi, nhưng lúc được nhận giữa các trường thì chị mới cân nhắc kỹ. Chị thấy Minerva rất quan tâm tới mỗi học sinh được chọn. Giữa tầm học sinh đưa quyết định cuối cùng, thầy hiệu trưởng Ben Nelson có qua ăn tối với các bạn được nhận. Các thầy cô và bạn thực tập sinh siêu thân thiện. Chị thấy Minerva thích chị nhiều hơn các trường khác. Thì cũng giống như yêu, em muốn chọn người thương em hơn đúng không.
Nghĩ kỹ hơn thì chị cân nhắc tính cách, ngành học, điều chị muốn làm trong tương lai, chị thấy mình hợp với Minerva nhất. Sau ba năm bảo lưu, chị không muốn học kiểu học thuộc, kiểm tra và rất tự chủ trong việc học của mình. Chị thích tự do và không theo quy chuẩn, được sáng tạo, ý kiến của mình được thử thách bởi người khác, có người nói cho chị ý kiến chị sai ở đâu. Lúc đó chị cũng khao khát được nhìn ra thế giới vì thấy Việt Nam hơi nhỏ với tham vọng của mình.
Minerva đáp ứng cho chị được điều đó. Minerva có các bạn tới từ nhiều quốc gia, nổi bật đáng kể so với đại học Mỹ thông thường. Chị cũng thích khái niệm học vòng quanh thế giới. Kiểu dịch chuyển của Minerva không phải du lịch, vì thường du lịch trong thời gian ngắn em sẽ chỉ thấy được cái đẹp ở một chỗ thôi. Thời gian tại mỗi thành phố của Minerva đủ dài để em vừa cảm nhận được cái đẹp, vừa phát hiện được những cái bị giấu nhẹm.
Chị thấy chương trình học thuật tại Minerva như thế nào?
Chị thích chương trình năm nhất vì nó đúng tinh thần giáo dục khai phóng. Chị định hướng theo khoa học xã hội nhưng vẫn được học môn Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên. Cái này rất thách thức nhưng cho mình nhiều cái nhìn đa dạng. Chị thấy đây là chương trình mà Minerva bỏ vào nhiều tâm huyết nhất. Đi qua 5 năm thì năm nào trường cũng tiếp tục cải thiện.
Tới năm 2, năm 3 thì chị bắt đầu học chuyên ngành. Có vài khóa chị rất thích, vài khóa thì chị thấy cần cải thiện. Năm 2 em sẽ được học khóa trọng tâm (core course), tức là các khóa bắt buộc cho một nhóm ngành nào đó, tới năm 3 em học tập trung (concentration), là một nhánh nhỏ trong chuyên ngành mà em chọn. Core course thì chị thấy không tệ, được phát triển đầy đủ sau nền tảng năm nhất. Tuy nhiên có nhiều concentration khá mới ở Minerva nên chưa được thiết kế hoàn chỉnh lắm. Nhưng chị thấy trường sẽ luôn cố gắng hoàn thiện mỗi năm.
Ở trường chị còn có Location Based Assignments (bài tập cộng đồng – LBA) mà học sinh phải làm bài tập và tương tác với thành phố mình đang ở. Chị rất thích LBA vì được có “cớ” ra ngoài xã giao và tương tác với dân bản địa.
Chị thấy Minerva thể hiện rõ triết lý của giáo dục khai phóng – phát triển con người theo hình chữ T, vừa sâu vừa rộng. Năm nhất trường sẽ cho em nền cơ bản để nhìn một vấn đề theo bốn góc khác nhau, truyền cảm hứng cho những thứ em chọn học tiếp theo. Nó cũng giúp em biết mình hợp gì.
Chị có thể kể cho em một dự án chị làm tại Minerva mà chị tự hào không ạ?
Chị tự hào nhất về dự án cuối chị làm năm nhất. Dự án của chị trả lời một câu hỏi lớn là “Làm thế nào để trao quyền cho người trẻ da màu tại San Francisco, từ đó giảm hiện tượng phạm tội quy mô lớn?” Mỹ chiếm 7% dân số thế giới, nhưng chiếm tới 25% dân số tù dân toàn cầu. Người trong tù chủ yếu là các bạn thanh niên da màu. Là người da màu, các bạn rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy phạm tội, vào tù, và điều đó rất bất công vì có một hệ thống xã hội không cho em công bằng.
Thế nên năm nhất, chị đã làm một dự án để giúp các bạn trẻ da màu thoát khỏi vòng xoáy đó. Đấy là lần đầu tiên chị rời khỏi Việt Nam, chị không có một mối quan hệ nào. Nhưng tới cuối năm nhất, chị đã kiếm được đối tác là một trường cấp 3 công lập ở San Francisco, nơi có nhiều bạn trẻ da màu để tổ chức một buổi chuyên đề (workshop) về chủ đề phạm tội quy mô lớn (mass incarceration). Trong buổi đó có một màn thảo luận mà chị mời được một chú rất giỏi để nói chuyện với các bạn. Chú đã từng sống dưới đáy xã hội, đi tù 25 năm, và sau khi ra tù đang làm rất nhiều dự án cộng đồng để giúp những đứa trẻ giống như chú trước đây có một cuộc đời mới.
Sau buổi đó, chị thấy giọt nước mắt của rất nhiều bạn da màu. Các bạn thấy được một khi đã nhúng chân vào vòng xoáy phạm tội rồi thì không thể ra được nữa. Và chị tin những điều các bạn học được trong buổi chuyên đề ấy, sẽ theo các bạn suốt cuộc đời.
Chị cũng tổ chức được một chuyến đi cho các bạn học sinh quốc tế của Minerva vào thăm nhà tù bang California, giúp thay đổi nhân sinh quan của các bạn. Xem TV show về nhà tù là một chuyện, nhưng em sẽ không thể hiểu được cảm giác ở trong tù thế nào cho tới khi thực sự tới đó thăm.
Sau dự án đó chị thấy tuy là người Việt Nam, không phải chịu nhiều vấn đề phân biệt chủng tộc, mình vẫn có thể bước ra vòng an toàn để chiến đấu cho bất kỳ ai, không nhất thiết họ phải giống mình. Chị muốn thử thách bản thân mình ở mức cao nhất có thể theo cách đó.
Theo chị thì “công dân toàn cầu” nghĩa là gì ạ?
Chị thấy có hai yếu tố: tư tưởng và hành động. Mình cần có tư tưởng cởi mở, sẵn sàng thấy nhiều nền văn hóa khác nhau và hiểu tại sao họ lại làm vậy. Ví dụ người Đức rất thẳng thắn khi làm việc và không quan trọng cảm xúc. Nếu em làm sai họ sẽ bảo thẳng là “Tệ quá” luôn. Nhưng ở Hàn hay Nhật, họ rất nhạy cảm với cảm xúc và cách nói chuyện cũng khác. Khi tới mỗi quốc gia, mình hiểu tại sao họ hành động vậy chứ không đánh giá. Tư tưởng cởi mở cũng là việc muốn tìm hiểu những câu chuyện, những điều ẩn giấu chứ không chỉ nghe ý kiến một chiều.
Còn về hành động, chị nghĩ là việc tới mỗi thành phố, chị sẽ muốn tạo ra một ảnh hưởng tốt ở đó, không quan trọng đó có phải là với người Việt Nam hay không.
Hiện tại chị đang có mục tiêu gì và chị đang kết hợp nó với việc học ở Minerva thế nào?
Hiện tại đam mê của chị là làm về vấn đề sức khỏe tâm lý ở châu Á. Chị thấy ở châu Á vấn đề này còn nghiêm trọng hơn các nước phương Tây do có nhiều định kiến quanh vấn đề. Chị đang thử nhiều cách để giải quyết nó. Vào năm hai, chị thử theo khoa học. Chị làm nghiên cứu cho một trường đại học ở Seoul về một bài kiểm tra tự đánh giá cho học sinh để họ tự thấy vấn đề tâm lý nghiêm trọng tới mức nào. Từ kết quả này, các bác sĩ tâm lý có thể đưa ra một giải pháp trị liệu phù hợp với cá nhân. Bài kiểm tra này phù hợp với đặc tính ý nhị của người châu Á. Chị có làm trợ lý nghiên cứu ở Minerva cùng thời gian này. Sau đó chị nhận ra là mình không thích con đường học thuật lắm.
Sau đó chị chuyển qua kết hợp kinh doanh và sức khỏe tâm lý với nhau vì chị cũng thích kinh doanh. Chị làm cho một công ty dùng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc sức khỏe tổng quan. Mọi người hay chú ý tới sức khỏe vật lý chứ không hay để ý tới sức khỏe tâm thần. Qua trải nghiệm này chị muốn tìm hiểu về ngành chăm sóc sức khỏe nói chung, nhìn xem họ có công nghệ gì có thể ứng dụng vào sức khỏe tâm lý không.
Cuối năm 4, chị sẽ làm một capstone project (dự án tốt nghiệp), là một dự án lớn và quan trọng ở Minerva. Chị tập trung vào việc hoàn thành dự án và thực sự tạo được ảnh hưởng từ nó.
Còn nhiều con đường khác mà chị sẽ khám phá: có thể là kinh tế, khoa học chính trị, khoa học máy tính. Mình cần nhìn và thử từ nhiều cách khác nhau, vì nếu cứ đầu tư vào cách hiện tại (VD: đổ nguồn lực vào các chương trình huấn luyện nhà trị liệu) thì không hiệu quả.
Chị có điều gì muốn chia sẻ về Minerva nữa không?
Mỗi trường đại học có một cá tính riêng. Minerva thì không có định mức đầu người hay đầu quốc gia, nhưng chị thấy các bạn đều có đặc điểm chung là dám nghĩ lớn, dám làm để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Tất cả các bạn ở đây đều có ước mơ riêng, không càm ràm ca thán mà tập trung hành động. Chị cũng nể rằng các bạn thực sự là những người tốt, thực sự quan tâm tới thế giới, những vấn đề xảy ra ở đây, và quan tâm tới người khác.
Nên nếu em apply vào trường mà không thực sự quan tâm tới cái gì thì sẽ khó để kết bạn.
Minerva cũng là một trường khá “dị”, không theo chuẩn mực giáo dục thông thường, nên nếu các bạn dám chấp nhận mạo hiểm, thích sự đổi mới thì Minerva sẽ hợp với các bạn hơn.
Chị cũng thấy các bạn của chị là những chiến binh thực thụ. Có nhiều bạn tới từ hoàn cảnh không thể tưởng tượng được, rồi việc học nặng, rồi có cả tỷ thứ xảy ra khi em dịch chuyển nhiều như vậy, nhưng các bạn cùng chị vượt qua hết.