- Tổng quan về hệ thống hỗ trợ tài chính
Định nghĩa:
- Tổng số tiền trường yêu cầu bạn đóng trong một năm (total cost) gồm có học phí và chi phí ăn ở.
- Khoản đóng góp (contribution) là số tiền mà gia đình bạn có thể đóng cho trường trong một năm học từ các nguồn khác nhau như tiền lương, tiền tiết kiệm, v.v.
- Nhu cầu hỗ trợ (need) là số tiền bạn muốn trường hỗ trợ trong một năm, và số tiền này bằng tổng số tiền trường yêu cầu bạn đóng trừ đi khoản đóng góp của bạn. Nói ngắn gọn, need = total cost – contribution. Ví dụ: Nếu total cost của một năm học ở một trường là $70,000 và gia đình bạn có thể chi trả $10, 000, thì nhu cầu hỗ trợ của bạn là 70 000 – 10 000 = $60 000.
Vì khả năng tài chính và nhu cầu hỗ trợ chỉ là hai mặt của một vấn đề nên chúng có thể thay thế cho nhau. Ví dụ, “khoản đóng góp nhiều” là đồng nghĩa với “nhu cầu hỗ trợ ít”. Vì các chính sách hỗ trợ tài chính và dạng hỗ trợ tài chính của các trung học phụ thuộc nhiều vào ba khái niệm này, bạn cần nắm rõ chúng trước khi đi sâu hơn.
Các chi phí phụ: Bạn cần lưu ý là tổng số trường yêu cầu bạn đóng ở trên không bao gồm chi phí bên ngoài: tiền sách vở, tiền tiêu vặt khi ở trường, tiền để sử dụng trong các kì nghỉ, và tiền máy bay. Tổng số tiền cho các chi phí bên ngoài này là khoảng 4,000$. Điều này có nghĩa là cho dù trường đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ của bạn thì gia đình bạn vẫn phải tự chi cho các chi phí bên ngoài.
Nguồn tài chính cho hệ thống hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ tài chính cho học sinh có thể đến từ quỹ riêng của trường, quỹ của chính quyền liên bang, hoặc quỹ của một đơn vị độc lập với trường. Vì học sinh quốc tế không được phép nhận hỗ trợ tài chính của chính quyền liên bang nên bài viết này chỉ tập trung vào gói hỗ trợ tài chính đến từ quỹ riêng của trường.
Các đại sứ quán và lãnh sự quán không có vai trò trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho học sinh, và cũng không có ảnh hưởng đến quyết định cung cấp hỗ trợ tài chính cho học sinh của trường. Tuy nhiên, ĐSQ và LSQ Mỹ tại Hà Nội và TP.HCM thường xuyên tổ chức chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về du học Mỹ, cũng như các sự kiện kết nối đại diện tuyển sinh của các trường Mỹ với học sinh Việt Nam.
2. Sự khác biệt giữa Hỗ trợ tài chính và Học bổng?
Cách các trường tính toán gói hỗ trợ tài chính: Dựa vào các thông tin khác nhau mà học sinh cung cấp trong đơn xin hỗ trợ tài chính, ví dụ như giá trị tài sản của gia đình, thu nhập trong một năm của gia đình, số thành viên trong gia đình đang học đại học, mà các trường sẽ có các cách khác nhau để tính ra được khoản đóng góp một năm của học sinh.
Bạn cần lưu ý rằng không phải lúc nào các trường cũng sẽ đáp ứng 100% nhu cầu cần được hỗ trợ, và các trường gần như không bao giờ đáp ứng hơn nhu cầu của bạn (xem thêm bên dưới). Ngay cả đối với những trường cam kết đáp ứng toàn bộ nhu cầu hỗ trợ tài chính của học sinh, các gói hỗ trợ của các trường này có thể khác nhau. Bạn nên kiểm tra thông tin về gói hỗ trợ trung bình mà trường dành cho học sinh quốc tế trước khi ứng tuyển.
Phân biệt hỗ trợ tài chính và học bổng: Hỗ trợ tài chính là một hệ thống đặc thù của bậc cử nhân Đại học Mỹ, và cần được phân biệt với hệ thống học bổng. Một số đơn vị tư vấn du học sử dụng hai từ này thay thế nhau vì công chúng thường nghĩ “Học bổng” thì tốt hơn “Hỗ trợ tài chính.”
Trên thực tế, hỗ trợ tài chính là một hệ thống công bằng hơn cho mọi người vì bạn không cần phải “xuất chúng” thì mới được hỗ trợ để học đại học. Do tất cả sinh viên đều đóng góp ở khoản tối đa của mình, nhà trường sẽ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ các bạn sinh viên không có điều kiện. Mặt khác, có rất nhiều học bổng ở các trường Đh Mỹ, bao gồm các học bổng nhỏ đến các học bổng toàn phần. Các học bổng này thường rất cạnh tranh và đòi hỏi bạn phải ứng tuyển riêng (đối với các gói học bổng giá trị cao) chứ không phải chỉ cần nộp hồ sơ hỗ trợ tài chính (xem thêm bên dưới).
Hệ thống hỗ trợ tài chính/học bổng của Mỹ và châu Âu: Hệ thống hỗ trợ tài chính của Mỹ khác biệt với hệ thống học bổng/hỗ trợ tài chính của châu Âu. Do học phí và chi phí sinh hoạt ở Mỹ thường cao hơn ở các quốc gia châu Âu, các gói học bổng bán phần được chuyển thành hỗ trợ tài chính và không còn được đánh giá hoàn toàn vào năng lực (merit) nữa. Các học bổng toàn phần cũng rất giới hạn do nhà trường không có đủ kinh phí.
Chi phí du học ở Mỹ cao do chính phủ không có luật giới hạn học phí mà các trường có thể thu của sinh viên (khác với các nước châu Âu); các trường Đại học công ở Mỹ được chính phủ trợ cấp tiền, tuy nhiên vẫn rất đắt đặc biệt là cho sinh viên quốc tế.
Khi ứng tuyển du học Mỹ, nhìn chung, bạn nên tập trung vào nhu cầu được hỗ trợ của mình và hệ thống hỗ trợ tài chính nhiều hơn hệ thống học bổng, trừ khi bạn thật sự xuất chúng để ứng tuyển các học bổng tài năng.
3. Thành phần của gói hỗ trợ tài chính
Có 4 dạng hỗ trợ tài chính mà các trường đại học Mỹ có thể cung cấp cho học sinh quốc tế. Một gói hỗ trợ tài chính cho một học sinh quốc tế thường sẽ có đủ cả 4 dạng này.
Merit-based scholarships
Đây là dạng hỗ trợ tài chính dựa trên thành tích/năng lực, ví dụ như thành tích học tập xuất sắc, khả năng nghệ thuật, khả năng thể thao, khả năng lãnh đạo. Điều này có nghĩa là khả năng tài chính và nhu cầu hỗ trợ của bạn sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của trường trong việc trao hỗ trợ tài chính dạng này. Hầu hết các trường đều có dạng hỗ trợ này, nhưng thông thường dạng hỗ trợ tài chính này có giá trị không cao, cụ thể là từ 1,000$ đến 25,000$, hoặc tối đa là có giá trị bằng tiền học (khoảng 36,000$, trong khi tổng số tiền là 50,000 – 60,000$). Chỉ có những trường đứng đầu (top 50) mới có merit-based scholarships với giá trị bằng hoặc gần bằng tổng số tiền trường yêu cầu bạn đóng trong một năm.
Đa số các trường không yêu cầu bạn ứng tuyển riêng để được xét cho học bổng merit-based scholarships. Một số trường có đơn ứng tuyển riêng dành cho học bổng merit-based scholarships với giá trị học bổng rất cao, như học bổng Cornelius của trường ĐH Vanderbilt với học bổng toàn phần học phí. Thông tin về đơn ứng tuyển riêng thường nằm trên website của nhà trường.
Need-based financial aid
Đây là dạng hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu hỗ trợ của bạn. Giống như merit-based scholarship, dạng hỗ trợ này cũng không chi trả hết tổng số tiền trường yêu cầu bạn đóng trong một năm. Tuy nhiên, need-based financial aid thường có giá trị lớn hơn nhiều so với merit-based scholarships, cụ thể là từ 30,000$ đến 40,000$, và cũng là dạng hỗ trợ tài chính có giá trị lớn nhất. Mặc dù vậy, không phải trường nào cũng cung cấp loại hỗ trợ tài chính này cho học sinh quốc tế.
Dạng hỗ trợ tài chính này được cung cấp theo ba hình thức:
– Grant là khoản tiền trường cung cấp mà bạn không cần phải hoàn trả sau khi tốt nghiệp.
– Loan là khoản tiền trường cung cấp mà bạn bắt buộc phải trả lại sau khi tốt nghiệp. Gói trợ cấp tài chính của hầu hết các trường đại học Mỹ đều có khoản nợ này. Số tiền cho vay này thường có giá trị nhỏ, cụ thể là từ 1,000$ đến 5,000$ một năm. Lãi cho khoản nợ thường là 5-10% một năm. Thời hạn để bạn trả lại đầy đủ khoản vay và lãi là 5 – 10 năm, bắt đầu từ thời điểm 6 tháng sau khi bạn học xong đại học, hoặc sau khi bạn học xong cao học nếu như bạn chuyển lên cao học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Lãi cũng chỉ bắt đầu được tính kể từ thời điểm này. Nhìn chung bạn hoàn toàn có thể trả hết được nợ trong khoảng thời gian 5 – 10 năm này nếu bạn có một công việc ổn định ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Nếu bạn sống và làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, trong một số trường hợp khó khăn đặc biệt, bạn sẽ được trường gia hạn thời gian trả nợ. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể được miễn nợ bằng bất cứ cách nào, kể cả khi bạn thất nghiệp hoặc công bố không có khả năng trả nợ/phá sản (declare bankruptcy). Việc không trả khoản nợ này đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến những hệ quả sau:
– Tiền nợ và lãi sẽ bị trừ trực tiếp vào thu nhập hàng tháng của bạn.
– Bạn sẽ phải trả nhiều hơn số nợ ban đầu. Theo thống kê, những người tìm cách trốn nợ cuối cùng phải trả số tiền bằng 1.2 lần khoản nợ và lãi.
– Chuyện khoản nợ bị trừ trực tiếp vào thu nhập sẽ làm cho báo cáo tín dụng của bạn trông không tốt, và gây ra rất nhiều khó khăn cho bạn trong việc vay vốn/lập tài khoản ngân hàng/mua nhà/mua xe hơi/xin việc.
Nếu bạn quay trở về Việt Nam ngay sau khi học xong đại học/cao học, bạn sẽ không gặp những vấn đề trên và có thể trốn được nợ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn không nên tìm cách trốn nợ, vì việc này sẽ làm cho các trường đại học Mỹ có ấn tượng xấu về học sinh Việt Nam và ảnh hưởng xấu đến cơ hội được nhập học của các thế hệ học sinh Việt Nam sau này.
– Work study là khoản tiền bạn nhận được thông qua việc làm có trả lương ở trường. Theo quy định của visa F-1, loại visa được cấp cho hầu hết học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ, bạn không được phép làm bất kì một công việc nào ở ngoài trường, vì vậy đây là dạng việc làm có thu nhập duy nhất bạn được phép tham gia. Cũng theo quy định, số giờ tối đa trong một tuần mà bạn được làm cho công việc loại này là 20 giờ. Công việc mà bạn phải làm nhìn chung khá đơn giản, ví dụ như sắp xếp giấy tờ, điền thông tin, hoặc trực thư viện. Lương bạn được nhận nằm trong khoảng 7-12$ một giờ, tức là 2,000 – 3,000$ trong một năm học, đủ để chi trả cho nhu cầu lặt vặt của bản thân, và được trả theo mỗi tháng. Các trường đại học không kiếm việc sẵn cho bạn khi hỗ trợ tài chính cho bạn, mà chỉ gửi thông tin về các công việc ở trường đến cho bạn và tạo điều kiện tốt nhất cho bạn được nhận việc. Điều này có nghĩa là bạn phải tự liên lạc với các phòng ban cung cấp công việc, tự sắp xếp lịch đi phỏng vấn, và có thể không được nhận vào làm bất kì việc gì.
Tóm lại, Need-based Financial Aid = Grant + Loans + Work study. Ở Việt Nam, hỗ trợ tài chính thường được hiểu là khoản tiền không hoàn trả, vì thế trong nhiều trường hợp need-based financial aid được coi là chỉ có grant, và cụm từ “need-based financial aid” được dùng để chỉ dạng hỗ trợ tài chính grant, còn loan và work study được coi là hai dạng hỗ trợ tài chính độc lập với need-based financial aid.
4. Giá trị của gói hỗ trợ tài chính
Các mức độ đáp ứng hỗ trợ tài chính: Giá trị của các gói hỗ trợ tài chính của các trường đại học Mỹ không được chia theo các mức phần trăm của tiền học hoặc tổng chi phí (total cost), mà phụ thuộc vào nhu cầu hỗ trợ tài chính (need). Nhìn chung, không phải tất cả các trường đều đáp ứng toàn bộ nhu cầu hỗ trợ tài chính của bạn (meet need). Một số trường không đáp ứng bất kì phần nào trong nhu cầu hỗ trợ tài chính, một số trường có giới hạn cho gói hỗ trợ tài chính, và một số trường cam kết đáp ứng hoàn toàn nhu cầu hỗ trợ tài chính.
Phân biệt ý nghĩa của các trường hợp hỗ trợ tài chính/học bổng toàn phần: Có 3 mức giá trị của gói hỗ trợ tài chính mà tên đều có thể được dịch ra là hỗ trợ tài chính/học bổng toàn phần:
– Full-tuition: Gói hỗ trợ tài chính loại này có giá trị bằng tiền học trong một năm của một trường đại học, nghĩa là bạn phải tự chi trả tiền sách vở, ăn ở, đi lại, tiêu vặt, máy bay.
– Full-need: Gói hỗ trợ tài chính loại này đáp ứng đủ nhu cầu hỗ trợ (need) của bạn. Bạn chỉ phải đóng cho trường số tiền đúng bằng khoản đóng góp được ghi trong đơn xin hỗ trợ tài chính, và phải tự chi tiền tiêu vặt, máy bay.
– Full-ride: Gói hỗ trợ tài chính loại này có giá trị bằng tổng số tiền trong một năm của trường đại học. Bạn không phải đóng một phần nào trong khoản đóng góp được ghi trong đơn xin hỗ trợ tài chính, nhưng phải tự chi tiền tiêu vặt, máy bay. Thông thường, các gói full-ride có thể được cấp qua cả hai gói học bổng hoặc hỗ trợ tài chính của trường.
Full-need và full-ride là hai loại gói hỗ trợ tài chính đặc trưng của hệ thống đại học Mỹ, vì hai giá trị của hai loại này không chỉ bị giới hạn ở tiền học như giá trị của gói hỗ trợ tài chính của hệ thống đại học các nước khác.
5. Ảnh Hưởng Của Nhu Cầu Hỗ Trợ Tài Chính Lên Cơ Hội Được Nhân (Need-aware và Need-blind)
Tổng quan: Trong quá trình tuyển sinh, các Đại học Mỹ có hai chính sách Need-blind và Need-aware để một phần quyết định có nhận bạn hay không hoặc với hỗ trợ tài chính như thế nào. Hai chính sách này ảnh hưởng đến cơ hội được nhận vào trường của bạn, đặc biệt là đối với các Đại học top đầu, và dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến số tiền bạn có thể được trường hỗ trợ.
Tuyển sinh Need-aware: là khi Đại học cân nhắc khoản đóng góp mà gia đình của bạn có thể chi trả và chi phí theo học tại trường là yếu tố quyết định bạn có được nhận hay không. Điều này có nghĩa là khoản đóng góp của gia đình bạn càng ít, bạn càng khó được nhận
Tuyển sinh need-blind: là khi Đại học tách biệt hồ sơ học thuật, hoạt động, và bài luận của ứng viên khỏi hồ sơ tài chính về khoản đóng góp của gia đình. Nhà trường sẽ không quan tâm đến việc bạn đóng được bao nhiêu, mà chỉ quan tâm đến việc bạn có đủ giỏi để vào trường hay không. Nhiều trường thậm chí không tính toán khoản hỗ trợ cho bạn cho đến sau khi bạn được nhận vào trường.
6. Mức độ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính trong tuyển sinh Need-blind và Need-aware
Need-blind:
Need-blind và đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ tài chính: Những Đại học này thật sự không quan tâm đến việc bạn có thể đóng góp bao nhiêu tiền một năm. Đây là những Đại học vô cùng danh giá của nước Mỹ và thường có những khoản thu rất lớn từ chính phủ hoặc nhà tài trợ. Những Đại học này cũng không phân biệt giữa học sinh Mỹ và học sinh quốc tế (Việt Nam), và nếu bạn được nhận, họ sẵn sàng cho bạn bao nhiêu tiền cũng được để bạn đi học. Tại Mỹ, chỉ có 5 Đại học có chính sách need-blind như thế này cho sinh viên quốc tế: Harvard, Yale, Princeton, MIT, and Amherst.
Need-blind và đáp ứng 100% nhu cầu cho sinh viên Mỹ: giống như những trường trên, rất nhiều Đại học Mỹ khác có chính sách need-blind nếu bạn là học sinh cấp 3 tại Mỹ. Tuy nhiên, những trường Đại học này thường có chính sách need-aware (bên dưới) dành cho sinh viên quốc tế. Dù vậy, nếu bạn là du học sinh Việt Nam từ năm cấp 3, bạn vẫn có thể hưởng lợi từ chính sách này.
Need-aware:
Mức hỗ trợ từ các trường need-aware: Với những trường có chính sách need-aware, bạn có khả năng nhận được gói hỗ trợ tài chính hào phóng hơn do trường có thể ước lượng chính xác từ đầu họ phải cho bạn bao nhiêu tiền để theo học. Ngoài ra, nhiều trường Đại học áp dụng chính sách need-aware cho sinh viên chuyển tiếp (transfer) và học sinh nằm trong danh sách waitlist, và thường hai nhóm học sinh này sẽ phải trả khoản phí rất cao, thường lên đến 100% chi phí.
Khoản đóng góp tối thiểu của các trường need-aware: Ngoài ra, một số các trường đại học Mỹ sử dụng chính sách need-aware admission còn có yêu cầu về khoản đóng góp tối thiểu. Một số trường ghi rõ yêu cầu tối thiểu này trên trang web của trường, và nói rằng sẽ không xem xét hồ sơ của các học sinh mà có khoản đóng góp dưới mức này. Tuy nhiên, hầu hết các trường lại không nói rõ ra cho học sinh biết là họ có yêu cầu về khoản đóng góp tối thiểu này hay không, và mức tối thiểu này là bao nhiêu trong trường hợp họ có yêu cầu. Vì vậy, để biết chính xác về thông tin này, bạn cần liên lạc với học sinh Việt Nam đang học tại trường.
Need-aware và đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ tài chính: Những trường Đại học này sẽ đánh giá hồ sơ của bạn xem bạn có đủ giỏi để được nhận vào trường và hỗ trợ mức tiền mà bạn đang thiếu hay không. Dù phải cạnh tranh với các hồ sơ khác giỏi hơn và đóng được khoản đóng góp cao hơn, bạn có thể yên tâm là những trường Đại học này sẽ hỗ trợ đầy đủ số tiền mà bạn thiếu để đi học một khi bạn được nhận.
Need-aware và không đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ tài chính: Những trường Đại học này không có nguồn kinh phí dồi dào để đảm bảo rằng họ sẽ chi trả đầy đủ khoản tiền còn thiếu cho bạn đi học. Trừ khi bạn có thể ứng tuyển riêng cho merit-based scholarships hoặc thật sự thích và có đủ điều kiện chi trả vượt mức khai đóng góp của gia đình, bạn không nên ứng tuyển những trường này.