• Chứng nhận giáo dục

Định nghĩa: Chứng nhận giáo dục (education accreditation) là một quy trình chứng nhận chất lượng dành cho các cơ quan giáo dục (chủ yếu là các trường học) được tiến hành bởi một đơn vị độc lập để kiểm tra xem cơ quan giáo dục đó có đạt các tiêu chuẩn do đơn vị độc lập này đề ra hay không. Ở hầu hết các nước trên thế giới, việc chứng nhận giáo dục được thực hiện bởi các cơ quan trực thuộc chính phủ, ví dụ như Bộ Giáo Dục. Tuy nhiên, ở Mỹ, chứng nhận giáo dục tồn tại độc lập với chính phủ và được thực hiện bởi các tổ chức phi lợi nhuận tư nhân. Chính phủ có vai trò hạn chế trong chứng nhận giáo dục bậc đại học ở Mỹ. Các trách nhiệm của chính phủ chỉ bao gồm công nhận các đơn vị chứng nhận giáo dục đáng tin và công bố danh sách các đơn vị chứng nhận giáo dục đã được công nhận. Chính phủ không trực tiếp chứng nhận giáo dục cho bất kì một cơ quan giáo dục hoặc một trường học nào.

Các đơn vị và loại chứng nhận giáo dục: Các đơn vị chứng nhận giáo dục thường được chia ra thành đơn vị chứng nhận cho các cơ quan giáo dục trong khu vực (regional accreditation) và cho các cơ quan giáo dục trong cả nước (national accreditation). Nhìn chung tiêu chuẩn của các đơn vị chứng nhận cả nước thường dành cho các trường nghề/tôn giáo, và thấp hơn của các đơn vị chứng nhận khu vực về mặt học thuật, vì thế chứng nhận khu vực thường được coi là tiêu chí đánh giá tốt hơn chứng nhận cả nước. Tuy nhiên, cả hai loại chứng nhận này đều rất quan trọng trong việc xác định chất lượng của các trường đại học, đặc biệt là các trường không nằm trong top 100 NU/LAC của bảng xếp hạng US News. 

Vai trò của chứng nhận giáo dục trong chuyển trường: Đối với những sinh viên muốn chuyển trường (transfer) sang trường khác, thì trường sinh viên đang học và trường mà sinh viên muốn chuyển vào nên có chứng nhận giáo dục cùng loại (regional hoặc national). Một số trường không chấp nhận tín chỉ từ các trường khác khác loại chứng nhận với mình. 

Tra cứu chứng nhận giáo dục của trường: Cách tốt nhất để biết một trường có được chứng nhận giáo dục hay không là tìm tên trường trong cơ sở dữ liệu các trường được chứng nhận tại https://www.chea.org/search-institutions hoặc https://ope.ed.gov/dapip/#/home. Nếu trường bạn đang tìm hiểu không xuất hiện trong cơ sở dữ liệu trên thì bạn không nên nộp đơn vào trường đấy, vì nhà tuyển dụng tương lai hoặc trường cao học có thể sẽ không coi trọng bằng tốt nghiệp của bạn. 

  • Thời gian học

Các đợt nhập học: Một năm học ở đại học Mỹ thường bắt đầu vào đầu tháng 9 và kết thúc vào đầu hoặc giữa tháng 5. Tổng thời gian học tập trong cả năm học trung bình là 30 tuần. Một số trường có đợt nhập học vào mùa xuân (spring enrollment), tức là năm học đầu tiên sẽ bắt đầu vào đầu tháng 1 và kết thúc vào tháng 8. Một số trường có kế hoạch (và deadline) tuyển sinh riêng cho mùa xuân (như ĐH Purdue) và một số trường quyết định một nhóm học sinh vụ thể sẽ học vào mùa xuân (như UC Berkeley). Kỳ học mùa xuân không khác nhiều so với kỳ học mùa thu, nó tồn tại chủ yếu vì trường chưa đủ chỗ để nhận hết học sinh trong cùng một kì mà phải đợi một số học sinh tốt nghiệp vào mùa đông để có chỗ cho học sinh mới. Nếu bạn chọn theo học kỳ mùa xuân, hãy lưu ý một số điều sau:

  • Bạn sẽ tốt nghiệp chậm hơn 1 học kỳ nếu bạn chọn học đủ 8 học kì. Một số học sinh sẵn sàng chọn kì mùa xuân vì muốn dành 3 tháng trước khi học để tìm kiếm trải nghiệm mới (thực tập, du lịch, dự án, v.v).
  • Để tốt nghiệp trong 7 học kì, bạn sẽ phải tìm cách có đủ tín chỉ để tốt nghiệp trong 7 học kì đó. Điểm AP có thể được dùng trong trường hợp này, hoặc bạn có thể học thêm lớp vào mùa hè (học phí thường sẽ cao hơn và khóa học sẽ ngắn/nặng hơn).
  • Cân nhắc kĩ lựa chọn môn học của bạn. Có thể một môn học bạn muốn học khi vào kì mùa xuân đòi hỏi kiến thức từ một khóa học thấp hơn (mà các bạn mùa thu của bạn đã học rồi). Hãy liên hệ với trường để tìm cách giải quyết.
  • Thường sẽ có ít học sinh chọn học vào kì mùa xuân hơn mùa thu nhiều. Nhóm học sinh này vẫn được tham gia các chương trình định hướng đầy đủ từ trường, và thường thân thiết với nhau hơn do nhóm cùng hoàn cảnh. Về lâu dài, qua các hoạt động trong trường, nhóm này hòa nhập với cộng đồng sinh viên kì mùa thu và gần như không có khác biệt gì giữa hai nhóm cả.
  • Hỗ trợ tài chính: Một số trường ưu tiên hỗ trợ tài chính hoặc học bổng tài năng (merit) cho sinh viên kì mùa xuân. Hãy kiểm tra những thông tin này kĩ với trường trước khi quyết định 

Các kì nghỉ trong một năm học: Nhìn chung, có 4 kì nghỉ trong một năm học:

  • Fall Break (Kì nghỉ Thu) kéo dài từ 4 ngày – 1 tuần trong tháng 9 hoặc 10.
  • Thanksgiving Holiday (Lễ Tạ Ơn) kéo dài 5 ngày vào cuối tháng 11.
  • Christmas (Giáng sinh và Kì nghỉ Đông) kéo dài 4-5 tuần, bắt đầu từ giữa tháng 12 và kết thúc vào giữa tháng 1.
  • Spring Break (Kì nghỉ Xuân) kéo dài khoảng 1 – 2 tuần trong tháng 3.
  • Hệ thống học kì

Có bốn hệ thống học kì khác nhau được sử dụng ở các đại học Mỹ:

Semester: Hệ thống semester chia năm học thành 2 học kì, mỗi học kì kéo dài khoảng 15 tuần, tức là 4-5 tháng. Học kì đầu tiên kéo dài từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 12 (học kì thu/fall semester), và học kì thứ hai kéo dài từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 5 (học kì xuân/spring semester). Khoảng 90% các ĐH Mỹ vận hành theo hệ thống này. 

Quarter: Hệ thống quarter có hai dạng. Một dạng quarter chia năm học thành 3 học kì, mỗi học kì kéo dài khoảng 10 tuần, tức là 3 tháng. Học kì đầu tiên kéo dài từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12 (học kì thu/fall semester), học kì thứ hai kéo dài từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 (học kì đông/winter semester), và học kì thứ ba kéo dài từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6 (học kì xuân/spring semester). Mặc dù một năm học chỉ có ba học kì nhưng hệ thống này được gọi là quarter (một phần bốn) vì các trường theo hệ thống này thường có thêm một học kì không bắt buộc vào mùa hè kéo dài từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, dành cho các sinh viên có nhu cầu học thêm trong hè. Một dạng quarter khác chia năm thành 4 học kì, mỗi học kì kéo dài 7 tuần, tức là 2 tháng. Những trường cao đẳng cộng đồng hoặc các ĐH cấp bằng chuyển tiếp thường sử dụng hệ thống này. 

4-1-4: Hệ thống 4-1-4 là một biến thể của hệ thống semester. Trong hệ thống này, học kì đầu tiên kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, học kì 1 tháng kéo dài trong tháng 1, và học kì thứ hai kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5. Trong học kì 1 tháng, sinh viên có thể tự chọn hoạt động cho bản thân, ví dụ như nghiên cứu độc lập, học ở nước ngoài, hay thực tập. Một số trường có hệ thống 4-4-1, trong đó học kì đầu tiên kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, học kì thứ hai kéo dài từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 4, và học kì 1 tháng kéo dài từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5.

Trimester: Trimester chỉ là một cách gọi khác cho các hệ thống ở trên chứ không phải là một hệ thống riêng biệt. Vì tiền tố tri có nghĩa là 3 nên tên gọi trimester thường được dùng để chỉ hệ thống semester có thêm học kì hè hoặc để chỉ hệ thống quarter do một năm học chính thức của hệ thống quarter chỉ có 3 học kì.

  • Môn học

Định nghĩa: Môn học, còn được gọi là lớp học, là một đơn vị cơ bản trong chương trình học ở đại học Mỹ, kéo dài trong một học kì và có số lượng học sinh tương đối cố định. Một môn học được giảng dạy thông qua những tiết học có thời lượng khoảng 50 – 75 phút/tiết trong tuần, theo một lịch cố định.

Các hình thức giảng dạy môn học: Môn học có thể được giảng dạy theo một trong các hình thức sau hoặc kết hợp nhiều hình thức với nhau:

  • Lecture là hình thức mà giáo viên trình bày thông tin cho một số lượng lớn học sinh trong một phòng lớn, với ít tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh.
  • Seminar là hình thức mà giáo viên hoặc hướng dẫn viên cùng một nhóm nhỏ học sinh (10-20) thảo luận và nhận xét về những vấn đề trong bài học hoặc những vấn đề chuyên sâu, mở rộng hơn trong chương trình học.
  • Tutorial là hình thức mà hướng dẫn viên làm việc với một hoặc một vài học sinh để hướng dẫn hoặc định hướng về một vấn đề cụ thể trong chương trình học.
  • Directed Individual Study là hình thức mà học sinh tự làm việc và nghiên cứu trong mảng kiến thức chuyên sâu hơn kiến thức của một khóa học thông thường hoặc mảng kiến thức không được dạy ở trường, dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên/hướng dẫn viên.
  • Laboratory là hình thức mà giáo viên và học sinh làm việc trong phòng thí nghiệm.

Học sinh tham gia vào các môn học như thế nào? Học sinh được tự chọn môn học cho mỗi học kỳ. Số môn học trong mỗi học kì phụ thuộc vào số tín chỉ của từng môn học và quy định về tín chỉ của trường. Tín chỉ (credit, hoặc credit hour) là đơn vị đo số giờ học của môn học trong một tuần. Số tín chỉ của một môn học bằng với số giờ học của môn học đó trong một tuần. Số tín chỉ không phải là số buổi học một tuần, vì một buổi học có thể kéo dài nhiều hơn 1 giờ. Phần lớn các môn học có 3-5 tín chỉ. Nhìn chung một học sinh học 4-5 môn học trong một học kỳ. Tổng số môn học một học sinh trải qua trong thời gian học đại học là 30-36.

  • Chương trình học đại cương (General Education)

Định nghĩa: Chương trình học đại cương được áp dụng ở phần lớn các đại học Mỹ. Chương trình này quy định học sinh phải học một số môn học ở đa dạng nhiều lĩnh vực khác nhau. Các môn học này thường là các môn về viết, ngôn ngữ, nghệ thuật, nhân văn, khoa học xã hội, toán, và khoa học tự nhiên. 

Mục đích: Phát triển con người toàn diện, phát triển khả năng đánh giá và phân tích vấn đề từ nhiều khía cạnh, và giúp học sinh tìm được lĩnh vực và ngành học phù hợp với bản thân. Chương trình này còn được gọi là liberal arts education. Cụm từ “liberal arts” trong văn phạm cổ điển nói đến 7 lĩnh vực mà người phương Tây cổ đại tin rằng là cần thiết cho sự phát triển và sự tham gia vào hoạt động xã hội của một công dân. 7 lĩnh vực này là ngữ pháp, logic, hùng biện, đại số, hình học, âm nhạc, thiên văn học. Chữ “arts” trong cụm từ này không nói đến các lĩnh vực nghệ thuật như trong văn phạm hiện đại, mà nói đến các lĩnh vực kiến thức nói chung.

Quy trình: Học sinh không bắt buộc phải hoàn thành chương trình đại cương trong 2 năm đầu Đại học. Thay vào đó, học sinh có thể học song song các môn đại cương với môn yêu cầu của chuyên ngành, và hoàn thành số tín chỉ yêu cầu để tốt nghiệp.Chương trình học đại cương được áp dụng theo hai cách:

  • Core curriculum là cách áp dụng mà trong đó trường quy định cụ thể các môn học học sinh phải hoàn thành.
  • Distribution requirement là cách áp dụng mà trong đó trường không quy định cụ thể các môn học, mà chỉ đưa ra những điều kiện về lĩnh vực và số môn hoặc số tín chỉ trong từng lĩnh vực, và học sinh được tự chọn môn học, miễn là các môn học đó thỏa mãn những điều kiện được đưa ra.
  • Chuyên ngành học

Chọn chuyên ngành học: Học sinh không bắt buộc phải chọn ngành khi điền đơn xin học, và ngay cả khi học sinh có chọn ngành trong đơn xin học, học sinh không bắt buộc phải học ngành đó khi nhập học. Khi học ở đại học Mỹ, học sinh cũng không bắt buộc phải chọn ngành học và đăng kí ngành học ngay khi nhập học hoặc trong học kì đầu tiên. Trong hai năm đầu, học sinh có thể chỉ học các môn học trong chương trình học đại cương hoặc học song song các môn trong chương trình này và những môn học liên quan đến chuyên ngành học sinh dự định theo học. Hạn chót để học sinh đăng kí ngành học là cuối năm hai. Ngay cả sau khi đã đăng kí ngành học, học sinh vẫn có thể chuyển sang ngành học khác.

Các loại chuyên ngành: Có hai loại chuyên ngành, đó là chuyên ngành chính (major) và chuyên ngành phụ (minor). Sự khác biệt duy nhất giữa hai loại chuyên ngành này là số môn học trong chuyên ngành. Số môn học trong chuyên ngành chính nhiều hơn trong chuyên ngành phụ. Học sinh bắt buộc phải đăng kí ít nhất 1 chuyên ngành chính. Ngoài ra, học sinh có thể theo đuổi 2 chuyên ngành chính, hoặc 1 chuyên ngành chính và 1-2 chuyên ngành phụ cùng 1 lúc. Những chuyên ngành này không bắt buộc phải liên quan đến nhau, vì phần lớn các trường đại học Mỹ là những trường đại học đa ngành, nói cách khác là đào tạo nhiều chuyên ngành thuộc các nhóm ngành khác nhau. Ví dụ, học sinh có thể vừa học chuyên ngành tài chính (Finance) để chuẩn bị cho công việc có thu nhập ổn định trong lĩnh vực này sau khi tốt nghiệp và vừa học chuyên ngành kịch nghệ thuật (Theater) để thỏa mãn niềm đam mê được đứng trên sân khấu.

Tự thiết kế chuyên ngành: Một số trường ở Mỹ cho phép học sinh tự đề cử và thiết kế chuyên ngành riêng nếu chuyên ngành này không có trong danh mục các khóa học của trường. Ví dụ, Babson College là một trường chuyên về những ngành kinh doanh (Business), nên các môn nghệ thuật hoặc xã hội học của trường cũng có phần hạn chế. Nếu học sinh muốn học về chuyên ngành về viết báo (Journalism), học sinh có thể nói chuyện trực tiếp với giáo sư hoặc các chuyên viên phụ trách các khóa học của trường để được tư vấn về việc tạo 1 chuyên ngành riêng. Các chuyên gia này sẽ theo dõi học sinh trong quá trình học tập để đảm bảo bạn giữ tiến độ và học được những kiến thức cần thiết cho chuyên ngành.

Cử nhân y và luật: Các đại học Mỹ nhìn chung KHÔNG có các chuyên ngành hoặc các chương trình đào tạo liên quan đến ngành y (pre-med) hoặc ngành luật (pre-law) ở bậc đại học. Các trường cao học về y dược và luật cũng không yêu cầu học sinh nộp đơn đầu vào phải học những chuyên ngành cụ thể nào để được nộp đơn, và cũng không tuyển sinh học sinh từ những chuyên ngành cụ thể nào. Trên thực tế, những học sinh có định hướng theo học trường cao học về y dược thường theo học các ngành liên quan đến sinh học, hóa học, hoặc hóa sinh, nhưng không chỉ có những học sinh học các ngành này được nhận vào các trường cao học y dược. Tương tự, những học sinh có định hướng theo học trường cao học về luật thường học các ngành liên quan đến chính trị, kinh tế, lịch sử, hoặc triết học, nhưng không chỉ có những học sinh học các ngành này được nhận vào các trường cao học luật.

  • Tốt nghiệp

Học bao lâu để tốt nghiệp: Thông thường, các sinh viên hoàn thành chương trình Đại học trong 4 năm. Tuy nhiên, có những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp sau từ 3 – 3.5 năm học, và cũng có những sinh viên cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành chương trình học của mình. Đa số các trường Đại học không yêu cầu về số năm học tối đa để tốt nghiệp của sinh viên, mà đặt ra yêu cầu về số lượng tín chỉ (credit) và môn học sinh viên cần có để tốt nghiệp. Những học sinh cấp 3 có điểm thi AP từ trung học phổ thông cũng có thể dùng điểm AP để bỏ qua một số tín chỉ cho các khóa nhập môn trong năm nhất, giúp đẩy nhanh thời gian tốt nghiệp.

Các loại bằng tốt nghiệp: Phần lớn các trường đại học cấp 2 loại bằng tốt nghiệp cử nhân: Bachelor of Arts và Bachelor of Sciences. Tên loại bằng không liên quan đến ngành học của bạn. Nói cách khác, chữ “Arts” và “Sciences” không được dùng theo nghĩa đen. Bachelor of Arts không có nghĩa là bằng nghệ thuật, vì chữ “Arts” trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “ngành học.”  Bạn vẫn có thể học các ngành khoa học tự nhiên và tốt nghiệp với bằng Bachelor of Arts, và bạn vẫn có thể học các ngành khoa học xã hội hoặc nhân văn và tốt nghiệp với bằng Bachelor of Sciences. Có những trường đại học chỉ cấp một trong hai loại bằng trên cho tất cả các ngành học, dù là ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn. Ví dụ, trường đại học Princeton cấp bằng Bachelor of Arts cho học sinh thuộc tất cả các ngành. 

Sự khác nhau duy nhất giữa hai loại bằng này nằm ở số tín chỉ hoặc số môn học trong chuyên ngành chính (major) mà bạn hoàn thành. Ở phần lớn các trường, nếu bạn hoàn thành 120 tín chỉ cho các môn học chuyên ngành chính, bạn sẽ được cấp bằng Bachelor of Arts, và nếu bạn hoàn thành 150 tín chỉ cho các môn học chuyên ngành chính, bạn sẽ được cấp bằng Bachelor of Sciences. Cả hai loại bằng này đều có giá trị như nhau trong mắt nhà tuyển dụng.

Một số trường đại học khác còn có các bằng tốt nghiệp cử nhân riêng cho từng loại chuyên ngành, ví dụ như Bachelor of Musical Performance hoặc Bachelor of Architecture.

Học bao nhiêu ngành trong trường? Bạn có thể chọn học chỉ một chuyên ngành (single major) và tốt nghiệp với một bằng đại học. Tuy nhiên, khác với các đại học ở Việt Nam, các đại học ở Mỹ cho phép bạn học nhiều hơn một chuyên ngành thông qua lựa chọn song ngành (double major) hoặc bằng đôi (dual degree).

Sự khác biệt giữa song ngành (double major) và bằng đôi (dual degree): Khi bạn học song ngành, bạn sẽ được cấp một bằng đại học và trên bằng đó có tên hai lĩnh vực chuyên ngành mà bạn chọn tập trung vào. Khi bạn học bằng đôi, bạn sẽ được cấp hai bằng đại học về 2 lĩnh vực chuyên ngành. Các chuyên ngành trong bằng đôi thường được tập trung vào sâu hơn, và bạn phải hoàn thành nhiều tín chỉ và tốn thời gian hơn để tốt nghiệp.

Bằng song ngành (double major/major-minor): Phần lớn các trường Đại học Mỹ cho phép bạn chọn hai chuyên môn cho bằng cử nhân của mình. Bạn sẽ tốt nghiệp với một bằng đại học nhưng là về 2 lĩnh vực, nghĩa là bạn có kiến thức sâu trong cả hai lĩnh vực này và có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình. Để có thể double major, bạn sẽ thường phải học thêm các lớp để có thêm tín chỉ đủ để thỏa mãn chuyên ngành thứ hai của mình, tuy nhiên điều này thường không ảnh hưởng đến thời gian học cử nhân (4 năm) hoặc chi phí bạn phải chi trả. 

Tương tự với đơn ngành, bạn có thể đợi đến năm 2, hoặc thậm chí là năm 3 để tuyên bố (declare) chuyên ngành thứ hai của mình. Sinh viên thường chọn double major tùy vào định hướng và sở thích của mình. Ví dụ, một sinh viên double major Khoa học Máy tính và Thiết kế sẽ có nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thiên về giao diện người dùng hoặc truyền thông kĩ thuật số. Hoặc, một sinh viên double major Kinh tế và Nghệ thuật có thể đam mê vẽ nhưng lại muốn kiếm được thu nhập ổn định sau đại học.

Ngoài ra, nếu bạn không muốn đi vào quá sâu một chuyên môn, bạn cũng có thể lựa chọn một major (chuyên ngành) và một minor (ngành phụ) chung với nhau trong bằng tốt nghiệp của mình.

Bằng đôi (dual degree): Một số trường Đại học Mỹ cho phép bạn theo đuổi bằng đôi cho bằng cử nhân của mình. Bạn sẽ tốt nghiệp với hai bằng đại học về hai lĩnh vực khác nhau (và thường liên quan đến nhau), nghĩa là bạn có kiến thức rất sâu trong cả hai lĩnh vực này và có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp/tăng thêm thu nhập đầu vào khi được nhận việc của mình. Khác với double major, dual degree có giá trị hơn vì việc bạn có hai bằng đồng nghĩa với việc giá trị của bạn bằng hai sinh viên của hai ngành khác nhau cộng lại. Để có thể theo các chương trình dual degree, bạn thường phải xác định trước khi mình ứng tuyển vào trường hoặc cùng lắm là năm nhất để có thể ứng tuyển và đậu vào cả hai khoa của hai chuyên ngành và bạn muốn song bằng. Bạn không thể học song bằng nếu bạn chỉ được nhận vào một khoa của một trường về ngành đó, vì thế các chương trình song bằng thường rất cạnh tranh. 

Ngoài ra, việc theo đuổi bằng đôi nghĩa là bạn phải học thêm rất nhiều tín chỉ không quá liên quan, nghĩa là bạn có thể sẽ tốn thêm tiền và thời gian để hoàn tất bậc cử nhân của mình. Tuy nhiên, một số chương trình bằng đôi áp dụng cho một bằng cử nhân và một bằng thạc sĩ, và thông thường bạn sẽ chỉ mất 5 năm để vừa học xong bậc cử nhân vừa học nghiên cứu sâu và có thêm bằng thạc sĩ. Một số trường Đại học Mỹ còn có chương trình bằng đôi với các trường ĐH khác bên ngoài Mỹ, như chương trình song bằng của Columbia – Sciences Po, cho phép bạn học hai năm tại Mỹ và hai năm tại nước khác và tốt nghiệp với hai bằng đại học từ hai trường khác nhau. Nhìn chung, bằng đôi là lựa chọn cho những sinh viên định hướng rõ ràng tương lai mình từ sớm để có thể ứng tuyển vào các chương trình này ngay từ đầu. 

 

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader