TỔNG QUAN:

Định nghĩa: HĐNK bên ngoài nhà trường không chịu sự quản lí của ngôi trường bạn đang theo học. Điều này trái ngược lại với các hoạt động được tổ chức bởi nhà trường (Đoàn Đội, Văn Nghệ, v.v) hay các Câu Lạc Bộ được thành lập bởi học sinh trong trường. 

Dù vậy, vẫn có những CLB, dự án chỉ chịu sự quản lý của trường khi hoạt động trong khuôn viên trường hoặc khi muốn sử dụng tên trường trong truyền thông, xin tài trợ, v.v. Các CLB này vẫn có thể thực hiện các hoạt động bên ngoài nhà trường mà không cần xin phép. 

Ví dụ: Define Magic Club (HCM), Youth Empowerment Model United Nations (Phu Yen)

Khác gì với CLB trong trường? Nếu các CLB trong trường thường phải phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn hoặc Đoàn trường về các vấn đề như: địa điểm tổ chức, ngân sách hoạt động, v.v, các dự án ngoài trường đòi hỏi sự độc lập hoàn toàn đối với các bạn học sinh vận hành chúng, như việc phải tự xin tài trợ hoặc tìm kiếm địa điểm tổ chức. Với các vị trí thực tập, học sinh sẽ không phải lo về nguồn lực do đã có công ty/tổ chức lớn lo về vấn đề này, tuy nhiên, các vị trí thực tập thường khó tiếp cận với học sinh cấp 3 và các bạn cũng chỉ được làm những công việc lặt vặt.

Lợi ích và hạn chế? Với các hoạt động ngoài trường, học sinh có cơ hội rèn luyện bản thân và va chạm xã hội nhiều hơn do không được sự hỗ trợ từ nhà trường. Tuy nhiên, các hoạt động này thường khó thực hiện, cạnh tranh để tham gia cũng cao hơn với các học sinh trường khác, và còn chịu một số định kiến từ ba mẹ về vấn đề an toàn, uy tín tổ chức, v.v.

 

DỰ ÁN HỌC SINH – SINH VIÊN

Tổng quan: Dự án học sinh – sinh viên là các dự án được thành lập và vận hành bởi các bạn học sinh, sinh viên. Những dự án này hoạt động trong đa dạng các lĩnh vực, đa phần hướng đến giúp đỡ đối tượng thụ hưởng và phát triển xã hội, như: Văn Hóa, Nghệ Thuật, Thiện Nguyện, Phát triển Kỹ Năng, Môi Trường, Tranh Biện/MUN, Khoa Học, Báo Chí, Tâm lí, v.v. Theo ước tính, có khoảng hơn 200 các dự án học sinh – sinh viên đang hoạt động tại mỗi TP.HCM và Hà Nội. 

Cơ hội học hỏi và kết nối: Chính vì sự đa dạng này mà các dự án học sinh – sinh viên là cơ hội để học sinh tìm hiểu về nhiều lĩnh vực và gặp gỡ nhiều người khác nhau. Điều này vô cùng thuận lợi để học sinh tìm được đam mê của mình và học hỏi từ một cộng đồng người trẻ lớn hơn trường học. 

Vai trò của học sinh tham gia: Học sinh – sinh viên thường nắm vai trò chủ động trong các dự án này, đảm nhiệm mọi khâu từ xin tài trợ, duyệt kế hoạch, đến tổ chức và chịu trách nhiệm cho hoạt động của dự án. Thế nên việc tự thành lập một dự án bên ngoài nhà trường rất khó thành công, nhưng trải nghiệm này chắc chắn mang lại nhiều bài học kỹ năng và nhận thức qua va chạm xã hội. 

Cơ hội cho các bạn mới bắt đầu với HĐNK: Đối với những dự án duy trì được tốt, đây còn trở thành những điểm đến quen thuộc của các bạn mới tìm hiểu về HĐNK, đặc biệt là các bạn lớp 10. Không dễ dàng để một học sinh lớp 10 có thể tham gia cùng các nhóm hoạt động của các anh chị sinh viên lớn hơn, nhưng sự ra đời của các dự án học sinh mang lại cơ hội thử nghiệm và phát triển cực kì ý nghĩa cho các bạn trẻ. Tại các thành phố lớn và các trường chuyên, người ta dần thấy các bạn học sinh tham gia các dự án như thế này ngay từ năm cấp 2. 

HĐNK có hoạt động đúng pháp luật? Những dự án học sinh – sinh viên thường không có tư cách pháp nhân và hoạt động dưới nền tảng pháp lý như các nhóm thiện nguyện. Do quy mô hoạt động và dòng tiền quản lí của các dự án thường nhỏ, các dự án này được hoạt động mà không phải khai báo theo pháp luật về các hoạt động của mình. Khi kí các văn bản hợp tác, các dự án thường mượn tư cách pháp nhân của các bên bảo trợ (như CSDS VN) hoặc dưới danh nghĩa cá nhân.

Các dự án của học sinh – sinh viên lâu năm: Các hoạt động ngoại khóa do học sinh khởi xướng đã bắt đầu hình thành từ hơn 10 năm trước với một số dự án đã có tên tuổi như Project Sugar (TP. HCM) hay Hanoi Food Rescue (Hanoi). Qua nhiều năm phát triển, những dự án này đã gây dựng được tiếng tăm, mối quan hệ với đối tác, và hệ thống – định hướng hoạt động rất tốt và bền vững. Học sinh mới tìm hiểu về HĐNK sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia các dự án này, đặc biệt qua việc học hỏi cách vận hành hiệu quả cũng như cảm giác giúp đỡ được xã hội cũng rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc tham gia các dự án lâu năm là cách hiệu quả để học sinh gia nhập một cộng đồng người trẻ lớn hơn để cùng đồng hành trong tương lai. Nhiều bạn học sinh sau thời gian phát triển tại các dự án này đã tìm được mối quan hệ, ý tưởng, và chuyên môn để khởi tạo dự án cho riêng mình. 

Ví dụ: Rất nhiều thành viên của VietAbroader Club HCM còn gia nhập và khởi tạo nhiều dự án khác như The People, Paper Plane, v.v.

Dự án tự thành lập: Các dự án này giống các dự án học sinh – sinh viên lâu năm, chỉ khác là được thành lập non trẻ hơn. Trong các dự án này, các bạn học sinh có cơ hội chủ động đóng góp và thực hiện ý tưởng của mình hơn các dự án lâu năm. Do đó, cơ hội học hỏi, trải nghiệm, hay đảm nhiệm các vị trí chủ chốt cũng nhiều hơn so với các dự án lâu năm.

Các dự án mới thành lập thường có hệ thống hoạt động không ổn định và do đó chất lượng của tác động tạo ra cho xã hội cũng như trải nghiệm thành viên không được tốt. 

Ví dụ: Một dự án dạy học vừa thành lập nên chưa có vốn chuyên môn nhiều, nên chất lượng giảng dạy cho các em ở mái ấm sẽ thấp. Dự án cũng chưa xây dựng được hệ thống quản trị và truyền tải kinh nghiệm tốt nên trải nghiệm học hỏi của tình nguyện viên sẽ không cao.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các bạn học sinh – sinh viên sáng lập đã tích lũy đủ vốn kiến thức và quan hệ để vận hành dự án vô cùng chuyên nghiệp. Những dự án này cũng có thể có những “cố vấn” lớn tuổi đứng sau để hỗ trợ. Nếu nhóm học sinh sáng lập thực sự tâm huyết và có khả năng, những dự án tự thành lập này hoàn toàn có thể phát triển thành các dự án lâu năm với uy tín cao trong cộng đồng.

CÁC ĐƠN VỊ LỚN XIN THỰC TẬP

Tổng quan: Các đơn vị để xin thực tập là các công ty, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân có nhu cầu tuyển thực tập sinh để giúp việc và đào tạo nhân lực tương lai. Thông thường, chỉ có các sinh viên năm 3 hoặc 4 mới quan tâm đến các vị trí này, nhưng vẫn có những sinh viên năm  1, 2, hoặc thậm chí học sinh cấp 3 được nhận vào các vị trí thực tập này. 

VD: Các agency như Ogilvy hay Doanh nghiệp như Tiki vẫn hay tuyển thực tập sinh Account và Sales, Các tổ chức phi lợi nhuận lớn như CSDS VN hay LIN Center tuyển thực tập sinh dự án/chương trình, hay các trường Đại học/Giáo sư tuyển trợ lý nghiên cứu. 

Sự đa dạng đem đến cơ hội học hỏi cao hơn: Một điều không phải bàn cãi là lĩnh vực của các đơn vị nhận thực tập sinh đa dạng hơn rất nhiều so với các dự án học sinh – sinh viên. Họ sẽ không chỉ hướng đến giúp đỡ đối tượng thụ hưởng, mà còn là các công việc chuyên môn như kinh doanh, marketing, nghiên cứu, v.v. Tính chuyên sâu của các lĩnh vực này cũng hơn hẳn so với các HĐNK thông thường, như việc bạn học hỏi về khởi nghiệp khi thực tập tại Tiki sẽ thực tế hơn nhiều khi bạn chỉ gia nhập nhóm học sinh – sinh viên kinh doanh. Do đó, cơ hội học hỏi về ngành nghề sẽ cao hơn, và chắc chắn rằng những mối quan hệ kiếm được cũng sẽ xịn hơn. 

Hạn chế về công việc được giao: Tuy nhiên, công việc của một thực tập sinh thường là những công việc vặt. Học sinh sẽ thường được giao bất cứ thể loại công việc vặt trên đời, như dịch thuật, giao hàng, mua đồ, v.v. Điều này có nghĩa học sinh sẽ không thể tự do định hướng công việc như trong các tổ chức học sinh – sinh viên. Dĩ nhiên, học sinh vẫn có thể đóng góp ý kiến, nhưng cuối cùng thì quyết định vẫn là của các anh chị nhân viên chính thức trong công ty. 

Dù vậy, học sinh lại có thể tiếp cận tới các tài liệu, kiến thức chuyên môn, và các quan hệ quý giá hơn nhiều so với các dự án nhỏ hơn. VD: Dù có thể một thực tập sinh về Dữ liệu chỉ được tổng hợp và thiết kế powerpoint dựa trên thông tin sẵn có, nhưng thực tập sinh đó có thể xin đi họp chung với đội ngũ công nghệ hoặc các đối tác để học hỏi từ thực tế bản chất ngành học của mình. 

Ngoài ra, với những học sinh xuất sắc sở hữu kiến thức chuyên môn từ sớm, mà thường thấy nhất là trong các lĩnh vực lập trình, truyền thông, phân tích dữ liệu, thiết kế, v.v, các đơn vị cũng không hề ngần ngại tuyển các bạn này vào và cho làm việc trực tiếp liên quan đến chuyên môn luôn. 

Thực tập ngay từ trước khi học đại học? Một học sinh cấp 3 sẽ rất khó tiếp cận các vị trí thực tập của các đơn vị lớn có tư cách pháp nhân. Thậm chí, việc học sinh cấp 3 gia nhập các HĐNK từ các anh chị học Đại học đã khá khó khăn (VD: Tổ chức AIESEC rất hạn chế cho học sinh cấp 3 tham gia), nói gì đến các vị trí thực tập chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên, việc một học sinh cấp 3 năm 12 hoặc một học sinh gap year sau khi tốt nghiệp được nhận vào các vị trí thực tập là điều thường thấy. Ngoài việc có thể bạn học sinh ấy xuất chúng về chuyên môn (như trên), thì điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Lĩnh vực xin thực tập: Những vị trí như Sales, Copywriter, Business Analyst Intern thường hay dễ tiếp cận hơn do không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành nhiều mà chủ yếu là kĩ năng mềm. Các lĩnh vực này thường đăng tin tuyển dụng rất nhiều trên các nền tảng tìm việc, tuy nhiên thì độ cạnh tranh cũng không hề nhỏ. Đối với các lĩnh vực chuyên môn hơn như khoa học xã hội hay công nghệ, một lựa chọn có thể là trợ lý cho các giáo sư của trường Đại học hoặc các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, những vị trí này thường ít thấy trên các nền tảng tìm việc và cũng không mở cho độ tuổi học sinh cấp 3, vì thế nên …
  • Chủ động tìm kiếm cơ hội: Đặc biệt đối với các lĩnh vực không dễ tuyển thực tập sinh, việc chủ động đi đến các sự kiện, tìm hiểu các tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các anh chị đang làm việc trong đơn vị đó sẽ vô cùng hữu ích. Một học sinh hoàn toàn có thể làm quen với các đại diện đơn vị qua các sự kiện, và sau đó trò chuyện qua email để hỏi về cơ hội thực tập tại đó. 
  • Kinh nghiệm của ứng viên: Để bù lại cho kiến thức chuyên môn, một học sinh có thể dùng những kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng. Do những công việc thực tập sinh quản lí thường đòi hỏi những kĩ năng mềm (như tiếng Anh, sắp xếp tài liệu, thu thập thông tin, v.v.), nên những kinh nghiệm như quản lí dự án hay tổ chức hoạt động học sinh – sinh viên sẽ vô cùng giá trị. Đôi khi, một số học sinh cấp 3 vượt qua cả các sinh viên năm 3, 4 về mặt kĩ năng mềm chỉ đơn giản vị họ đã tham gia rất nhiều hoạt động học sinh trước đó. 

CÁC HOẠT ĐỘNG NGOÀI NHÀ TRƯỜNG ĐƯỢC NHÌN NHẬN NHƯ THẾ NÀO?

 

Trong các HĐNK mà học sinh tham gia, có một số tiêu chí thường được dùng để đánh giá: Học sinh đó đã cống hiến bao nhiêu, Đã nắm giữ vai trò gì, Hoạt động đó đã bổ sung vào định hướng của học sinh như thế nào, v.v

 

Do đó, việc lựa chọn tham gia các hoạt động gì và đóng góp hết sức mình là vô cùng quan trọng. Thông thường, một học sinh chỉ nên dành thời gian ngắn để trải nghiệm (tối ưu nhất là năm lớp 10) nhiều hoạt động khác nhau trước khi giới hạn lại cho mình chỉ 2-3 hoạt động chính và đầu tư hết sức vào nó. Điều này về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc học sinh ấy được nhìn nhận bởi:

 

Các cơ hội HĐNK khó hơn: 

Việc học sinh có nhiều kinh nghiệm hoặc có thể gây ấn tượng tốt qua việc kể các trải nghiệm của mình sẽ tăng cơ hội khi ứng tuyển vào các dự án học sinh – sinh viên lâu năm. Với các vị trí thực tập hoặc các chương trình cho sinh viên, người lớn, điều này còn rõ ràng hơn thế. Dù bạn chỉ là học sinh cấp 3 hoặc học sinh gap year sau tốt nghiệp, những trải nghiệm trong các hoạt động với cống hiến cao và giá trị tạo ra nhiều sẽ trao cho bạn nhiều cơ hội hơn với các vị trí hoặc chương trình thực tập chuyên nghiệp. 

 

Tô điểm cho hồ sơ:

Các trường Đại Học Mỹ thường không chú trọng loại hoạt động của học sinh là trong trường hay ngoài trường, mà là vào hoạt động tạo ra tác động lên bao nhiêu người, lớn như thế nào, vai trò của học sinh trong các hoạt động ra sao, v.v.

 

Dù vậy, HĐNK bên ngoài nhà trường hoàn toàn có lợi thế hơn khi học sinh có thể làm và “khoe” nhiều thành tựu của mình hơn cho nhà trường. Số tiền gây quỹ được từ các nhà tài trợ, những bức hình chụp thực tế bên ngoài nhà trường, v.v đều có thể là những bằng chứng cho thấy học sinh là một người tháo vát và đang tạo ra giá trị cho nhiều người trong cộng đồng. Đối với các CLB trong trường, học sinh thường phải nghĩ về cách có thể nhân rộng ảnh hưởng của mình ra bên ngoài, hoặc khai thác được giá trị sâu sắc về bản thân hoạt động đấy (VD: Đồng Khởi LHP chỉ hoạt động trong trường nhưng đã trở thành truyền thống thu hút 600 học sinh Lê Hồng Phong tham dự mỗi năm).

 

Hơn nữa, HĐNK bên ngoài nhà trường cũng là cơ hội cho học sinh thể hiện với nhà trường về đam mê và định hướng nghề nghiệp của mình. Do các lĩnh vực của HĐNK bên ngoài nhà trường thường đa dạng, chuyên sâu, và có ảnh hưởng hơn so với các CLB trong trường, học sinh sẽ có nhiều công việc hơn để làm và nhiều trải nghiệm hơn để kể. Nhà trường sẽ muốn biết quá trình phát triển và gắn bó của học sinh với công việc HĐNK và cách chúng ảnh hưởng lên lựa chọn ngành học tương lai của học sinh. 

 

Dĩ nhiên, không phải lúc nào tham gia HĐNK cũng là để hướng nghiệp và rất nhiều sinh viên năm nhất tại ĐH Mỹ để lựa chọn ngành là “Chưa quyết định” (Undecided). Tuy nhiên, bất kì trường ĐH Mỹ nào cũng tìm kiếm ít nhất một định hướng nào đó từ ứng viên, về mục đích sống hay hệ giá trị, và những phẩm chất này dễ đạt được nhất qua các va chạm xã hội từ HĐNK bên ngoài nhà trường.

 

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
VietAbroader